Những ngày qua, nông dân huyện Đồng Xuân tiến hành thu hoạch mía để bán cho nhà máy đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam. Theo nông dân, mô hình trồng mía rải vụ đã giúp họ có tiền trang trải trong dịp Tết Nguyên đán.
Nông dân thị trấn La Hai (Đồng Xuân) thu hoạch mía - Ảnh: H.NAM
Trước đây, ở huyện Đồng Xuân, nông dân thường trồng mía tập trung. Khoảng tháng 5 (ÂL), khi trời có mưa giông thì đồng loạt xuống giống, đến tháng 3, 4 (ÂL) năm sau thì mía chín cùng lúc, thu hoạch rộ, dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân công, đồng thời gây sức ép cho các nhà máy đường trong việc thu mua. Năm nay, nhờ trồng rải vụ, mía chín rải rác nên nông dân Đồng Xuân không phải chịu cảnh “sốt” công thu hoạch và giảm tải áp lực cho nhà máy.
Bà Lê Thị Linh ở xã Xuân Phước trồng 5 sào mía cho biết: “Tôi đang thu hoạch 2 sào mía trồng gần sông Trà Bương, năng suất ước đạt 8 tấn để có tiền trang trải các khoảng chi phí trong dịp tết; 3 sào mía còn lại sẽ thu hoạch sau tết”. Theo bà Linh, khi chưa áp dụng mô hình trồng mía rải vụ, để có tiền trang trải trong dịp tết, gia đình bà bán mía non (bán mía chưa đến kỳ thu hoạch) nên bị tư thương ép giá.
Cũng như gia đình bà Linh, cách đây 2 ngày, ông Trần Văn Vinh ở xã Xuân Quang 3 thu hoạch hơn 10 tấn mía trồng trên gò đồi sau nhà và bán cho Nhà máy đường Đồng Xuân với giá 910.000 đồng/tấn, tại ruộng. Sau khi trừ chi phí, ông Vinh lãi khoảng 8 triệu đồng.
Tuy nhiên theo nhiều nông dân, mô hình trồng mía rải vụ ở huyện Đồng Xuân chưa khép kín các tháng trong năm, mà chỉ trồng rải vụ từ tháng 11 (ÂL) năm trước đến tháng 3 (ÂL) năm sau. Đó là những tháng mùa mưa và sau khi mưa đất còn giữ độ ẩm, nông dân cày đất để xuống giống. Những tháng còn lại, thời tiết nắng gắt, nông dân rất khó khăn trong việc xuống giống và chăm sóc mía.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, toàn huyện có khoảng 3.000ha mía, tuy nhiên chỉ có 50ha mía ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1 có nước tưới. Do vậy việc triển khai trồng mía rải vụ trên diện rộng không thể nhân rộng ra các xã khác. Và điều mà nông dân huyện Đồng Xuân cần nhất hiện nay là các nhà máy đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho cây mía. Ông Nguyễn Hùng ở xã Xuân Lãnh cho hay: “Có nước tưới thì nông dân mới trồng rải vụ được, nếu không thì mọi người cứ trồng theo tập quán cũ. Khi mía chín, nông dân đồng loạt thu hoạch, dù nhà máy đường có chạy hết công suất cũng không mua hết mía của nông dân”.
Ngoài ra, một khó khăn khác là một số vùng trồng mía ở huyện Đồng Xuân không có đường giao thông nên phải thu hoạch mía theo kiểu “cuốn chiếu”, chậm. Như trường hợp của ông Vinh ở xã Xuân Quang 3 vừa thu hoạch mía, phải thuê nhân công đưa mía từ ruộng đến đường ĐT642 cách gần 200m, làm tăng thêm chi phí trong quá trình sản xuất.
Tại hội thảo về đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2010-2015, vừa được UBND huyện Đồng Xuân tổ chức, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết bộ giống mía R579, R570, MY55-14, F156 trồng từ năm 2004 đến nay chưa được thay thế, vì vậy trong thời gian tới huyện tiếp tục nghiên cứu và trồng khảo nghiệm các loại giống mía cao sản như SM 937-26, KM 98-1, KM140 để thay thế những bộ giống cũ. “Để chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, từ nay đến năm 2015, Đồng Xuân tập trung đưa các bộ giống mía có năng suất cao vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh việc liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) trong việc chuyển giao kỹ thuật, đầu tư giống, cơ sở hạ tầng, thủy lợi, phát triển và quản lý vùng nguyên liệu mía theo quy hoạch và đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, ông Nguyên nói.
LÊ TRÂM