Hiện nay nhiều nhà vườn đang bước vào vụ sản xuất hoa tết, để hoa đẹp ngoài chăm sóc nông dân cần biết và phòng trừ một số bệnh hại. Có nhiều bệnh hại trên cây hoa cúc, sau đây là một số biện pháp phòng trừ…
1. Bệnh lở cổ rễ: Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra. Bệnh thường phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt, nhiệt độ không khí khoảng 22 đến 280C, đất thịt nặng, đất bí chặt và đóng váng sau khi tưới hoặc sau mưa. Triệu chứng, phần cổ rễ sát mặt đất có vết bệnh màu nâu xám, lở loét, rễ bị thối mềm, lá héo rũ. Nhổ cây bệnh rễ bị đứt ngang gốc, chỗ vết đứt thối nham nhở. Trước khi trồng, phải thu gom sạch sẽ tàn dư cây trồng vụ trước đem tiêu hủy. Đất trồng hoa cúc phải tơi xốp, thoát nước tốt. Xử lý đất bằng vôi bột trước khi trồng. Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục hoặc phân vi sinh, bón phân cân đối, đặc biệt tăng cường phân lân và kali. Sau khi mưa nếu đất bị đóng váng nên tranh thủ xới phá váng ngay. Khi xới tránh làm tổn thương gốc rễ cây. Khi xuất hiện bệnh cần phòng trừ kịp thời, không để bệnh lây lan. Dùng các loại thuốc đặc trị nấm như Anvil 5SC, Bavistin 50FL, Benlate 50WP, Fundazole 50WP, Monceren 250 SC, Validacin 3L/5L... để phòng trừ.
2. Bệnh gỉ sắt: Bệnh do nấm Puccinia chrysanthemi gây ra. Nấm bệnh tồn tại chủ yếu trên tàn dư vụ trước và phát tán lan truyền trong không khí nhờ gió. Bệnh phát triển mạnh khi gặp điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ từ 18 đến 210C. Bệnh thường xuất hiện trên lá, đầu tiên là những chấm nhỏ màu vàng ở mặt lá, sau đó nổi dần lên thành những cục u nhỏ, bên trong chứa bột màu da cam hoặc nâu đỏ giống như gỉ sắt. Bệnh nặng, lá trở nên vàng úa và rụng sớm, hoa nhỏ, màu sắc hoa kém tươi, cây xơ xác. Trước khi trồng, phải thu gom hết tàn dư cây trồng vụ trước, vệ sinh vườn cây sạch sẽ, tạo độ thông thoáng. Không nên tưới nước thẳng lên hoa, nhất là vào buổi chiều. Khi cây đang bị bệnh hạn chế phun phân bón lá, tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để hạn chế lây lan. Trị bệnh: Phun một trong các loại thuốc sau: Anvil 5SC, Bavistin 50FL, Carbenzim 50WP, Topsin-M 70WP, Zineb 80WP… theo nồng độ khuyến cáo.
3. Bệnh đốm lá: Bệnh do nấm Alternaria sp. gây ra. Nấm này phát sinh mạnh ở nhiệt độ từ 20 đến 280C, ẩm độ >85%. Vết bệnh thường xuất hiện từ mép lá sau đó lan vào phiến lá, màu xám nâu, hoặc xám đen hình tròn, hoặc bất định, xung quanh vết bệnh có quầng vàng rộng. Gặp thời tiết ẩm ướt, trên mô bệnh có lớp nấm mốc màu đen, lá bị thối, dễ rụng. Nên trồng với mật độ hợp lý, thường xuyên kiểm tra phát hiện bệnh kịp thời, ngắt bỏ lá già, lá bị bệnh đem tiêu hủy. Dùng các loại thuốc gốc đồng như Topsin-M 70WP, Aliette 80NP, Rovral... để phun trị bệnh.
4. Bệnh phấn trắng: Bệnh do nấm Oidium chrysanthemi gây ra, phát triển thuận lợi ở nhiệt độ từ 15 đến 250C. Bệnh xuất hiện chủ yếu trên lá non, những phần non của cây đang tăng trưởng, dạng bột màu trắng xám, hình bất định. Mặt dưới lá chỗ vết bệnh màu vàng nhạt. Dùng một trong các loại thuốc sau: Anvil 5SC, Score 250EC, Ridomil MZ 72WP... để phun khi cây chớm bị bệnh.
5. Bệnh héo xanh do vi khuẩn: Đây là loại bệnh phổ biến và nguy hiểm đối với cây hoa cúc. Vi khuẩn tồn tại trong đất, lan truyền theo nước tưới xâm nhập vào cây qua các vết thương. Khi bị nhiễm cây bệnh đột ngột bị héo rũ tái xanh, những lá non mới ra bị héo trước. Triệu chứng héo của cây diễn ra rất nhanh, chỉ trong 1-2 ngày là cây đã bị héo hoàn toàn. Dùng thuốc kháng sinh Streptomixin nồng độ 100 đến 150ppm để phun phòng bệnh. Hiện nay chưa có thuốc phòng trị đặc hiệu. Khi bệnh xuất hiện, cần nhổ bỏ cây bị bệnh đem tiêu hủy, rắc vôi bột khử trùng đất và phun thuốc có gốc đồng để hạn chế bệnh lây lan.
N.NHƯ (tổng hợp)