Ngư dân đang gặp nhiều khó khăn khi đưa tàu thuyền vào tránh trú bão tại các khu neo đậu được đầu tư xây dựng tiền tỉ. UBND tỉnh đang chỉ đạo các địa phương ven biển và các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý và khẩn trương khắc phục những tồn tại ở các khu neo đậu này.
Đồng chí Lê Văn Trúc kiểm tra các trụ neo tại khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão vịnh Xuân Đài - Ảnh: A.NGỌC
NGẠI ĐƯA TÀU THUYỀN VÀO KHU NEO ĐẬU
Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tại vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) do Ban quản lý dự án Các công trình trọng điểm tỉnh làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2007, với kinh phí khoảng 67 tỉ đồng. Trong đó, khu neo đậu tàu thuyền tại vịnh Xuân Đài có diện tích khoảng 60ha, độ sâu vùng nước từ 7 đến 8m, với 95 trụ neo có khả năng tiếp nhận khoảng 1.000 tàu thuyền (tàu được phép neo đậu có công suất dưới 500CV).
Theo UBND TX Sông Cầu, từ khi tiếp nhận quản lý và đưa vào sử dụng khu neo đậu tại vịnh Xuân Đài, địa phương đã thành lập Ban chỉ huy phòng tránh lụt bão và ứng phó thiên tai tại khu vực Vũng Chào và tổ chức vận động, hướng dẫn ngư dân các xã, phường trong khu vực đưa tàu thuyền vào neo đậu tại các trụ neo này. Mùa mưa bão năm 2011, do chưa quen nên ngư dân chưa đưa tàu thuyền vào neo đậu tại khu vực này. Sau đó, nhờ sự vận động, hướng dẫn tích cực của Ban chỉ huy phòng tránh lụt bão và ứng phó thiên tai tại khu vực Vũng Chào và các cơ quan, UBND các xã, phường nên khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền vịnh Xuân Đài đã từng bước phát huy hiệu quả. Trong mùa mưa bão năm 2012 và 2013, nhiều tàu cá công suất trên 60CV của ngư dân đã vào neo đậu tại đây. Tuy nhiên, các ngư dân Lê Văn Châu, Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Thế Tới… ở xã Xuân Phương cho rằng, khu neo đậu tàu thuyền tại vịnh Xuân Đài không phát huy hiệu quả. Các trụ neo nằm xa bờ nên ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc trở lại bờ khi neo đậu xong, cũng như vấn đề trông nom, bảo quản tàu thuyền trong thời gian xảy ra bão. Khi mưa bão gây sóng to gió lớn, tàu thuyền chao đảo liên tục, trong khi các trụ neo hình lục giác, các cạnh thẳng đứng nên tàu thuyền rất dễ bị đứt dây neo, khiến nhiều ngư dân không đưa phương tiện ra neo đậu. Các thuyền có công suất dưới 40CV không thể neo đậu tại các trụ neo này khi xảy ra bão…
Khu neo đậu tàu thuyền tại đầm Cù Mông cũng đưa vào sử dụng đầu tháng 9/2013, diện tích khoảng 54ha, độ sâu vùng nước từ 7 đến 8m, với 85 trụ neo có khả năng tiếp nhận khoảng 800 tàu thuyền. Cũng giống như khu neo đậu tại vịnh Xuân Đài, nhiều ngư dân phản ánh các trụ neo tại đây cách xa bờ, dễ bị đứt dây neo khi có sóng to gió lớn, thuyền có công suất nhỏ không neo đậu được… Ngư dân Huỳnh Ngọc Thử ở xã Xuân Thịnh, cho biết: “Hiện tại đầm Cù Mông có nhiều lồng bè nuôi thủy sản gây cản trở cho tàu thuyền ra vào khu neo đậu. Luồng lạch cho tàu thuyền ra vào khu neo đậu cũng bị bồi lấp hoặc có đá ngầm khiến tàu thuyền gặp khó khăn”. Từ thực trạng trên, nhiều ngư dân ở khu vực đầm Cù Mông kiến nghị xây thêm một khu neo đậu mới khuất gió, thuận lợi hơn, đồng thời làm kè tránh gây sạt lở đất tại khu neo đậu làm ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân đang sinh sống ở đây…
Còn tại huyện Tuy An, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được xây dựng tại cảng cá Tiên Châu hiện do huyện quản lý và khai thác cũng hoạt động không hiệu quả. Theo UBND huyện Tuy An, trong 14 hạng mục được phê duyệt, đến nay có nhiều hạng mục chưa được đầu tư, như: nhà phân loại, cửa hàng điện, cần cẩu di động bánh hơi 1,5 tấn, xe tải loại 1,5 tấn, máy phát điện dự phòng, hệ thống thông tin liên lạc… Khu vực cảng cá Tiên Châu là nơi neo đậu tránh trú bão cho khoảng 1.000 tàu thuyền của ngư dân 2 xã An Ninh Đông, An Ninh Tây và một số xã khác trong huyện. Thế nhưng, hiện nhiều hộ dân đã lấn chiếm khu vực neo đậu tàu thuyền để nuôi thủy sản, trong khi đó luồng lạch cho tàu thuyền ra vào cảng bị bồi lấp gây khó khăn cho ngư dân. Bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Huyện tiếp nhận cảng cá Tiên Châu đã 5 năm nhưng chưa được đầu tư bổ sung một hạng mục nào, trong khi nguồn vốn của dự án còn hơn 8 tỉ đồng. Thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo các xã và phòng, ban chuyên môn thống kê và giải tỏa các hồ nuôi tôm trái phép trong khu vực cảng cá Tiên Châu. Tuy nhiên, để cảng cá này hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân đưa tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú bão, huyện kiến nghị tỉnh bố trí kinh phí để đầu tư khép kín các hạng mục còn lại theo như thiết kế ban đầu, đáp ứng nhu cầu của ngư dân. Tỉnh cần cấp kinh phí để huyện nạo vét luồng lạch, triển khai dự án xây dựng mới khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực cảng cá và khu vực sông Trước (sông Vạn Củi) để tàu thuyền có nơi neo đậu trong mùa mưa bão”.
Tàu thuyền đang neo đậu tại khu neo đậu tránh trú bão vịnh Xuân Đài - Ảnh: A.NGỌC
TĂNG CƯỜNG VẬN ĐỘNG, TIẾP TỤC ĐẦU TƯ
Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: “Đối với khu neo đậu tại đầm Cù Mông, thị xã đang lập phương án để tổ chức điều hành, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tránh trú bão. Thời gian đến, UBND thị xã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan có liên quan cùng các xã, phường tích cực vận động, hướng dẫn ngư dân tổ chức neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại vịnh Xuân Đài nhằm từng bước phát huy hết hiệu quả hoạt động khu này theo đúng mục tiêu mà dự án đề ra. Với khu neo đậu tại đầm Cù Mông, thị xã sẽ hợp đồng với 1 người làm công tác quản lý khu neo đậu này, đồng thời thành lập Ban chỉ huy phòng tránh lụt bão và ứng phó thiên tai để tổ chức chỉ huy, điều hành, sắp xếp, hướng dẫn ngư dân cách neo tàu thuyền an toàn trong mùa mưa bão. Thị xã kiên quyết giải tỏa các lồng bè nuôi thủy sản trái phép trong các khu vực neo đậu tàu thuyền”.
Còn theo ông Đào Ninh, Trưởng ban Quản lý dự án Các công trình trọng điểm tỉnh, ban sẽ cử cán bộ kiểm tra các luồng lạch tại 2 khu neo đậu tàu thuyền vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. Nếu các luồng lạch trong khu vực dự án bị bồi lấp khiến tàu thuyền mắc cạn thì Ban quản lý dự án Các công trình trọng điểm tỉnh sẽ cho khắc phục ngay…
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc, cho biết: “Việc bà con ngư dân ở các địa phương kiến nghị xây dựng những âu thuyền giống như các tỉnh miền Nam thì Phú Yên không đủ kinh phí. Tuy nhiên, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương bố trí vốn để đầu tư. UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển cần kiểm tra lại các khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn mình quản lý; xử lý nghiêm các hộ nuôi trồng thủy sản tại các khu vực cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền. Các chủ đầu tư cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền cần rà soát, khẩn trương khắc phục những tồn tại để tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân đưa tàu thuyền vào tránh trú bão. Những kiến nghị của ngư dân chưa thể giải quyết, tỉnh ghi nhận và đề nghị các địa phương nghiên cứu giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh hướng giải quyết những vấn đề tồn tại thuộc thẩm quyền của tỉnh”.
Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên hiện có hơn 7.300 tàu thuyền, trong đó hơn 1.000 tàu có công suất trên 90CV. Phú Yên có nhiều khu neo đậu tàu thuyền, trong đó tỉnh đã quy hoạch 6 khu có quy mô lớn được đưa vào quy hoạch chung của cả nước, gồm: khu vực cửa biển Tân Quy - Lễ Thịnh (Tuy An) có thể tiếp nhận khoảng 1.000 tàu thuyền, khu vực Vũng Rô (Đông Hòa) có thể tiếp nhận khoảng 1.000 tàu thuyền, khu vực gần cửa Đà Nông thuộc thị trấn Hòa Hiệp Trung và xã Hòa Hiệp Nam có thể tiếp nhận khoảng 1.000 tàu thuyền, khu vực cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa) có thể tiếp nhận khoảng 600 tàu thuyền, khu vực vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) có thể tiếp nhận khoảng 1.000 tàu thuyền và khu vực đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) có thể tiếp nhận khoảng 800 tàu thuyền. |
ANH NGỌC