Tại Việt Nam, thủy điện đóng vai trò rất quan trọng đối với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2012, thủy điện đã đóng góp cho hệ thống điện hơn 48% công suất phát điện và gần 44% điện lượng.
Mưa lớn cộng với việc các hồ thủy điện xả lũ khiến nhiều địa phương của tỉnh Quảng |
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Quốc hội đã có Nghị quyết số 62/NQ ghi nhận những đóng góp và kết quả tích cực của thủy điện đối với chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội; cắt giảm lũ vào mùa mưa và góp phần cung cấp nước cho sinh hoạt và cho sản xuất của người dân ở hạ du.
Tuy nhiên, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, việc vận hành cũng như quy hoạch thủy điện vẫn còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ việc quy hoạch, đồng thời ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện vào năm 2014.
Trong chương trình Dân hỏi bộ trưởng trả lời tối 8/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải thích rõ hơn về vấn đề này.
- Người dân hiểu rằng thủy điện để phát điện, nhưng tác hại của thủy điện cho môi trường, gây ngập úng cho vùng hạ du, cuốn trôi nhà cửa mùa màng và của cải của người dân...thì lời ít mà hại nhiều. Vậy có nên tiếp tục duy trì việc phát triển các thủy điện hay không?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Chính phủ trong các báo cáo của mình trình với Quốc hội trong các kỳ họp gần đây, nhất là kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ngày 27/11/2013 đã phân tích rõ thực trạng của hoạt động thủy điện và Quốc hội đã thảo luận kỹ những nội dung này và Quốc hội đã có Nghị quyết số 62/2013/NQ-QH ghi nhận những đóng góp và kết quả tích cực của thủy điện đối với chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội; cắt giảm lũ vào mùa mưa và góp phần cung cấp nước cho sinh hoạt và cho sản xuất của người dân ở hạ du. Quốc hội cũng nêu ra những bất cập, hạn chế và tiêu cực trong quá trình này, theo tôi thì chúng ta phải kiên quyết tìm và thực hiện những giải pháp căn cơ hơn để có thể khắc phục cơ bản những thiếu sót và tổn tại trong quá trình phát triển thủy điện.
- Là cơ quan chịu trách nhiệm về quy hoạch thủy điện xin bộ trưởng cho biết làm thế nào để giảm thiểu những tác dụng phụ của thủy điện, cụ thể là có những quy hoạch để các hồ chứa có thể vận hành đồng bộ với nhau, tránh ảnh hưởng đến vùng hạ du?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Chúng tôi cho rằng chỉ có bằng thực tế, chỉ có bằng các biện pháp khắc phục triệt để những tác động xấu của thủy điện thì mới góp phần làm cho người dân hiểu và đồng tình với chủ trương phát triển thủy điện của chúng ta. Chính phủ cũng đã bàn bạc rất kỹ về nội dung này và thống nhất ban hành một nghị quyết chuyên đề về vấn đề thủy điện, thắt chặt việc quản lý nhà nước trong quy hoạch thủy điện, tập trung vào một đầu. Vấn đề xem xét lại cơ chế phân cấp ủy quyền đối với các dự án thủy điện. Rà soát lại quy chế vận hành các hồ chứa và nếu còn thiếu thì phải ban hành. Kiên quyết yêu cầu trồng bù diện tích rừng mà đã bị thu hồi và xử lý nghiêm các sai phạm.
Trên tinh thần đó thì Chính phủ cũng có phân công về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy điện cho các bộ, ngành, địa phương. Đối với Bộ Công thương là cơ quan tổng hợp về quy hoạch phát triển thủy điện, phối hợp với các địa phương, các chủ đầu tư trong toàn bộ quá trình thực hiện các dự án thủy điện.
- Một điều băn khoăn rất lớn của người dân nghi ngờ một số nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ, gây ra lũ chồng lũ và ảnh hưởng đến hạ du. Nhiều ý kiến cho rằng chưa có quy trình vận hành liên hồ đập thủy điện. Xin bộ trưởng cho biết lộ trình mà Chính phủ có thể ban hành việc vận hành liên hồ đập thủy điện như thế nào?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nghị quyết 62/2013/NQ-QH của Quốc hội đã yêu cầu trong năm 2014 phấn đấu ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện. Còn trong chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu cụ thể hơn đó là đối với những liên hồ chứa mà chưa có quy trình vận hành về mùa mưa thì phải trình để Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2014, đối với những quy trình vận hành liên hồ chứa đã có mà vừa qua thấy rằng có những yếu tố không phù hợp với thực tế thì cũng phải rà soát chỉnh sửa để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế bổ sung.
Riêng đối với quy chế vận hành liên hồ chứa trong mùa khô thì phải phấn đấu rất là cao để làm sao sớm ban hành các quy trình này. Hiện nay, trong số 11 hệ thống liên hồ chứa, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 quy trình, còn lại 6 quy trình sẽ cố gắng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2014.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
Theo Vietnam+