Do giá cà phê xuống thấp, nhiều nông dân ở huyện Sông Hinh bị thua lỗ nên ồ ạt phá bỏ cây cà phê để chuyển sang trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Ðây là tình trạng đáng báo động khi người dân vội vàng loại bỏ cây trồng này để chạy theo cây trồng khác vì lợi nhuận trước mắt.
Vườn cà phê của ông Ma Đuôn ở xã Ea Bar đang bị chặt bỏ - Ảnh: A.NGỌC
Lâu nay, việc sản xuất của người nông dân phụ thuộc rất lớn vào giá cả thị trường. Khi giá nông sản xuống thấp thì nhiều người bị thua lỗ, nợ nần chồng chất. Huyện Sông Hinh đang xảy ra tình trạng người nông dân ồ ạt chặt bỏ cây cà phê do thua lỗ để chuyển sang trồng các loại cây khác, có hiệu quả kinh tế hơn. Ông Ma Đuôn ở xã Ea Bar cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng 2,2ha cây cà phê từ năm 1998. Mỗi năm, chỉ tính phần đầu tư phân, thuốc đã gần 25 triệu đồng/ha. Đến kỳ thu hoạch, tôi phải thuê nhân công hái và trả tiền cho họ trên sản phẩm thu được là 2.500 đồng/kg, thế nhưng giá bán cà phê tươi hiện nay chỉ 4.000 đồng/kg. Năm ngoái, giá bình quân khoảng 6.000 đồng/kg nhưng nhiều bà con đã bị lỗ. Năm nay giá còn thấp hơn khiến gia đình tôi lỗ gần 25 triệu đồng. Để đầu tư cho cây cà phê, tôi vay Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện 30 triệu đồng đã đến kỳ trả nợ nhưng không đủ tiền trả. Ngoài nợ ngân hàng, gia đình tôi còn nợ bà con trong xã gần 10 triệu đồng”.
Không chỉ Ma Đuôn phá bỏ vườn cà phê của mình mà nhiều người trồng cà phê trên địa bàn huyện cũng chặt bỏ cây trồng này. Tại xã Ea Bar, hộ Ma Nguyên đã chặt bỏ vườn cà phê khoảng 0,8ha, hộ Oi Liêm phá bỏ hơn 1,2ha, hộ Ma Ngật hơn 1,5ha, hộ Mí Nông hơn 2ha, hộ Ma Hoàng khoảng 0,8 ha… để chuyển sang trồng cây cao su, sắn, mía, tiêu…
Ông Ma Ngật cho biết, hiện nay giá sắn củ rất cao, nhiều người trồng sắn thu lãi rất lớn, mỗi hecta lãi từ 12 đến 15 triệu đồng. Các hộ dân trồng sắn cho biết, đầu tư ban đầu cho loại cây này không lớn, công chăm sóc đơn giản, thời gian cho thu hoạch khoảng 10 tháng, có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cây cà phê. Y Vét ở xã Ea Bar cho biết, thời gian gần đây, nhiều người chặt bỏ cà phê nên anh đã mua một cưa máy trị giá 12 triệu đồng để chặt thuê. Mỗi ngày, anh chặt từ 1 đến 1,5ha, thu nhập khoảng 2 đến 3 triệu đồng. Chỉ riêng khoảng 2 tháng gần đây, anh đã chặt thuê cây cà phê cho hơn 20 hộ dân tại xã Ea Bar, hiện còn hơn 10 hộ thuê nữa nhưng anh làm không kịp.
Ông Y Hét, Chủ tịch UBND xã Ea Bar cho biết: “Hiện tại, UBND xã chưa thống kê đầy đủ số hộ và diện tích trồng cây cà phê trên địa bàn xã. Tuy nhiên, UBND xã cũng đã nắm sơ bộ có khoảng trên 20 hộ đã chặt bỏ cây cà phê và còn nhiều hộ cũng có ý định chặt bỏ cây trồng này để chuyển sang trồng sắn, tiêu hoặc cao su. UBND xã cũng đã báo cáo nhanh tình hình này cho UBND huyện, đồng thời cử cán bộ nắm lại số diện tích cà phê đã phá bỏ để báo cáo cụ thể cho UBND huyện”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: “Đa số những diện tích cà phê phá bỏ là vì cây đã già, cho năng suất thấp, trồng xen với cây cao su. Nay cao su đã lớn nên phải loại bỏ cây cà phê để cây cao su phát triển. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do giá cà phê quá thấp nên nông dân thấy không hiệu quả, trong khi các loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Chúng tôi đang nắm lại số diện tích cà phê đã phá bỏ để tham mưu cho UBND huyện có hướng chỉ đạo. Theo tôi, bà con nên chăm sóc tốt vườn cà phê, nếu năng suất cao thì thu nhập cũng không đến nỗi nào. Bà con không nên vội vàng chặt bỏ cây cà phê vì công sức đầu tư rất lớn, nếu chuyển sang cây trồng khác mà giá cả xuống thấp thì cũng bị thiệt hại không kém”.
ANH NGỌC