Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho rằng, việc gia nhập thị trường quá đột ngột của chăn nuôi nông hộ khi giá gia cầm tăng hồi giữa năm 2013 là nguyên nhân đẩy giá sản phẩm gia cầm vào tình cảnh bi đát như hiện tại.
Thu hoạch trứng gà ở cơ sở chăn nuôi Đồng Lợi (Hòa Quang Bắc, Phú Hòa) - Ảnh: N.TRƯỜNG
* Cùng là 2 sản phẩm chăn nuôi chủ lực, theo ông, tại sao trong khi giá heo đang rất tốt, nhưng giá gia cầm lại tụt quá thấp như vậy?
- Lấy đà tăng giá từ giữa năm 2013, giá trứng lên tới 2.200 đồng/quả, giá thịt gà công nghiệp lúc đó lên tới 47.000 đến 48.000 đồng/kg, lãi to nên người dân ồ ạt vào giống mà không tính được mỗi lứa gà từ lúc vào giống tới lúc xuất chuồng phải 3 đến 4 tháng.
Trong thời gian đó, nông dân không thể tính tới diễn biến thị trường thay đổi ra sao. Đến nay, khi các lứa gia cầm vào giống hồi giữa năm 2013 đến thời kỳ xuất chuồng, đã gây áp lực về sản lượng khiến giá hạ thấp là điều dễ hiểu.
Xin nói ngay, cả việc giá thịt heo tăng cao hiện nay, người chăn nuôi cũng đừng thấy thế lại lao vào nuôi, mà phải nuôi rải đều thì thị trường mới ổn định được. Không thị trường nào rẻ cả năm, hoặc được giá cả năm cả.
* Liệu có bàn tay can thiệp dìm giá để sau đó chiếm lĩnh thị trường của các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi không thưa ông?
- Tôi cho rằng chẳng có bàn tay can thiệp nào cả, đó chỉ là tâm lý của người chăn nuôi cho rằng như thế mà thôi. Hồi giữa năm 2012, giá trứng, thịt gia cầm cũng tụt giảm nghiêm trọng.
Ngay cả các ông lớn như C.P, Japffa Comfeed cũng chịu cảnh thua lỗ nặng nề, chứ đâu riêng gì hộ chăn nuôi? Chẳng qua, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nắm bắt thị trường và điều chỉnh giá bán nhanh hơn nông dân, trong khi thị phần của họ hiện tương đối lớn nên cũng một phần ảnh hưởng tới giá thị trường chứ tôi nghĩ chẳng có chiêu bài gì ở đây cả.
* Thị trường heo xuất khẩu đi Trung Quốc đang rất tốt. Liệu đây có phải là một hướng lâu dài để ổn định thị trường chăn nuôi trong nước?
- Giá heo xuất khẩu đi Trung Quốc hiện nay khá cao, nhu cầu phía Trung Quốc tăng trong ngắn hạn một phần nào đó giúp tiêu thụ bớt lượng lợn trong nước. Tuy nhiên, với số lượng xuất khẩu thường xuyên chỉ 10 đến 15 chuyến xe/ngày (tương đương với lượng vài trăm tấn/ngày) rõ ràng chỉ chiếm tỉ lệ rất bé so với tổng sản lượng thịt lợn tiêu thụ trong nước. Vì thế về mặt nguyên tắc thị trường mà nói thì việc xuất khẩu đi Trung Quốc không có nhiều chi phối thực sự giúp giá thịt heo tăng, có chăng chỉ có thể là hiệu ứng về thông tin thị trường giúp giá tăng mà thôi.
Bên cạnh đó, xuất khẩu heo đi Trung Quốc hiện nay hầu hết đều là không hợp đồng, thiếu ổn định, nên đừng hy vọng nhiều ở việc xuất khẩu để tăng giá trong nước. Bây giờ giá cao thế đấy, nhưng người dân đừng có ùn ùn vào giống tăng đàn, rồi có khi mấy tháng nữa, đùng một cái họ ngừng nhập heo của Việt Nam thì lại khốn đốn.
* Người nuôi gia cầm nghi ngờ việc giá gia cầm hạ thấp hiện nay là do lượng thịt nhập khẩu quá nhiều, có phải vậy không?
- Tôi cho rằng gia cầm nhập khẩu cũng không tác động nhiều tới thị trường trong nước. Thống kê 8 tháng đầu năm 2013 cho thấy lượng gia cầm nhập khẩu chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2012, còn việc nhập khẩu tiểu ngạch thì không thể kiểm định được.
* Xin cảm ơn ông!
“Có tới 70% số hộ chăn nuôi, chiếm 60% lượng sản phẩm gia cầm vẫn là của nông hộ nhỏ lẻ, rất thiếu ổn định. Họ gia nhập thị trường rất nhanh chóng khi giá tăng, nhưng cũng đồng loạt bỏ chuồng khi rớt giá. Việc bỏ chuồng khi giá hạ là điều rất tệ bởi lại có thể gây sốt giá sau đó, đồng thời gây khó khăn theo chuỗi. Chẳng hạn hiện tại giá trứng, thịt gia cầm giảm mạnh, nông dân không vào giống khiến nhiều lò ấp trứng điêu đứng, buộc phải chuyển sang bán trứng lộn” - ông Nguyễn Văn Trọng cho biết. |
LÊ BỀN (NN)