Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo, trên địa bàn huyện miền núi Sông Hinh đã có nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư ở các thôn, buôn giúp người dân ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững, Sông Hinh cần được tiếp tục đầu tư vào sản xuất.
Mô hình phát triển kinh tế vườn đồi đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Ly (Sông Hinh) thoát nghèo - Ảnh: A.NGỌC
TRIỂN KHAI NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO
Theo Phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh, trong 2 năm 2012 và 2013, có thêm 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được xây dựng tại các xã Ea Ly, Ea Lâm, Ea Bá với hơn 6,6 tỉ đồng; huyện đã hỗ trợ xây dựng 278 nhà cho hộ nghèo với số tiền hơn 5,2 tỉ đồng. Toàn huyện cũng đã có gần 7.970 lượt hộ vay ưu đãi với số tiền gần 121 tỉ đồng để thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn. Huyện Sông Hinh đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn hơn 13,8 tỉ đồng, thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho hơn 30 hộ nghèo dân tộc thiểu số với diện tích gần 40ha, giúp họ có đất canh tác, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập. Đến nay, huyện Sông Hinh đã hỗ trợ hơn 850 triệu đồng trồng cây cao su tại 4 xã Ea Bá, Ea Bia, Ea Trol và Đức Bình Tây với 80 hộ dân tham gia. Cũng trong 2 năm qua, Trung tâm dạy nghề huyện Sông Hinh tổ chức đào tạo nghề cho hơn 900 lao động nông thôn. Ngành Nông nghiệp đã xây dựng 15 mô hình trình diễn, mô hình khảo nghiệm giống cây trồng mới đạt năng suất và chất lượng; tập huấn cho hơn 3.990 lượt người trồng lúa, bắp lai, hướng dẫn nông dân cách nhận biết và phòng trừ bệnh trên cây trồng, kỹ thuật nuôi ngan Pháp, kỹ thuật sử dụng chất độn chuồng trong chăn nuôi…
Theo UBND huyện Sông Hinh, năm 2011 trên địa bàn huyện có 6.120 hộ nghèo (chiếm 54,2% dân số của huyện). Sau 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, toàn huyện đã có hơn 2.460 hộ thoát nghèo. Ông Ksor Y Tin, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: “Sông Hinh có 3 xã và 8 thôn, buôn đặc biệt khó khăn được đầu tư từ Chương trình 135 (giai đoạn 2010-2015). Các dự án và chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được triển khai đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, một bộ phận hộ nghèo thiếu đất sản xuất, trong khi chính quyền địa phương thiếu quỹ đất nên không đáp ứng yêu cầu mở rộng diện tích sản xuất của người dân. Mặt khác, người dân còn thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, phương thức canh tác còn lạc hậu, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những trở ngại trong việc giảm nghèo của huyện Sông Hinh”.
TIẾP TỤC ÐẦU TƯ
Theo ông Lê Ngọc Thiện, Trưởng phòng LĐ-TB-XH, Phó ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo huyện Sông Hinh, các công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn đã đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt và phát triển sản xuất của bà con. Các lớp tập huấn khuyến nông, lâm, ngư giúp nhiều hộ nông dân nghèo trên địa bàn huyện có kiến thức trong tổ chức sản xuất, có điều kiện mở rộng quy mô và canh tác có hiệu quả, giúp ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Chính sách đầu tư cho giáo dục giúp học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện học tập nâng cao kiến thức trình độ. Chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ y tế đã giúp người nghèo trên địa bàn huyện có cuộc sống ổn định hơn, có điều kiện chăm sóc sức khỏe… Mặc dù được quan tâm đầu tư, nhưng do đặc thù địa hình đồi núi phức tạp, kết cấu hạ tầng chưa được xây dựng nhiều nên điều kiện phát triển kinh tế của huyện còn hạn chế. Hiện, Sông Hinh còn hơn 4.825 hộ nghèo và hơn 2.010 hộ cận nghèo.
Ông Thiện cũng cho biết, mới đây, Sông Hinh được chấp thuận đưa vào thực hiện chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đây là điều kiện để huyện có thêm nguồn lực đầu tư giúp người dân giảm nghèo bền vững. Trước mắt, cấp trên cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Huyện cũng đã đề nghị Trung ương và tỉnh nâng mức cho vay đối với hộ nghèo về xây nhà ở cao hơn so với hiện nay, đồng thời cấp thêm nguồn kinh phí mua vở, bút cho tất cả các học sinh dân tộc ở các xã ngoài Chương trình 135…”.
Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đặng Đình Toại cho biết: Đề án Phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2013-2017 của huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện đề án này hơn 172 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ hơn 131 tỉ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 30 tỉ đồng và huy động khác hơn 10 tỉ đồng. Cũng theo đề án này, hàng năm Sông Hinh giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 5 đến 7%, đến năm 2015 còn 32,11% và đến năm 2017 còn 20,22% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015). Hàng năm, căn cứ mục tiêu và khả năng huy động nguồn lực, UBND huyện sẽ xây dựng kế hoạch để chỉ đạo và triển khai thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo và địa bàn khó khăn trên địa bàn huyện. |
ANH NGỌC