Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên nước, trong đó quy định việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Ảnh minh họa
Theo đó, việc lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn theo quy định tại Điều 6 của Luật Tài nguyên nước.
Cụ thể, các dự án có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lấy ý kiến bao gồm: Công trình hồ, đập có tổng dung tích từ 500 triệu m3 trở lên; công trình khai thác, sử dụng nước mặt với lưu lượng từ 10 m3/giây trở lên; công trình chuyển nước giữa các nguồn nước; công trình hồ, đập làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của sông, suối trên một đoạn có chiều dài từ 1 km trở lên; công trình xả nước thải vào nguồn nước có lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên; công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất có lưu lượng từ 12.000 m3/ngày đêm trở lên; các trường hợp quy định nêu trên nếu có yếu tố bí mật quốc gia thì không phải thực hiện việc lấy ý kiến.
Nội dung thông tin cung cấp để tổ chức lấy ý kiến bao gồm: Thuyết minh và thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi) kèm theo tờ trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án; kế hoạch triển khai xây dựng công trình; tiến độ xây dựng công trình; các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, đảm bảo nước cho các đối tượng sử dụng ở thượng và hạ lưu công trình trong quá trình xây dựng, vận hành công trình, thời gian công trình không vận hành...
Quy định thăm dò nước dưới đất
Theo nghị định, trước khi xây dựng công trình khai thác nước dưới đất, chủ dự án phải thực hiện thăm dò để đánh giá trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác và phải có giấy phép thăm dò, trừ các trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất không phải xin cấp phép.
Tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất phải đáp ứng đủ các điều kiện về hành nghề khoan nước dưới đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.
Trong quá trình thăm dò, tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và công trình thăm dò; bảo đảm phòng, chống sụt, lún đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm các tầng chứa nước; trám, lấp giếng hỏng hoặc không sử dụng sau khi kết thúc thăm dò; thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ nước dưới đất, bảo vệ môi trường.
Chủ dự án thăm dò có nghĩa vụ phối hợp với tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định nêu trên, nếu phát hiện có vi phạm thì phải dừng ngay việc thăm dò; trường hợp xảy ra sự cố thì phải khắc phục kịp thời, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; nộp báo cáo kết quả thăm dò cho cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ quy định.
Theo chinhphu.vn