Tại buổi tiếp xúc cử tri đầu tháng 11 vừa qua, một lần nữa cử tri huyện Tuy An tiếp tục kiến nghị lên đại biểu HĐND tỉnh, đề nghị các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp tăng cường quản lý, có giải pháp chống xâm hại đầm Ô Loan, nhưng xem ra rất khó thực hiện do nhiều nguyên nhân.
Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan nhìn từ quốc lộ 1 - Ảnh: P.NAM
Từ tháng 9/1996, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) ban hành quyết định về việc xếp hạng Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan (Tuy An). Theo đó, ngày 18/10/2011, UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý quy hoạch Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan nhằm kịp thời ngăn chặn việc xây dựng nhà ở, nuôi trồng thủy sản trái phép gây ô nhiễm môi trường, lập lại kỷ cương và quản lý tốt vùng quy hoạch Di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan. UBND tỉnh cũng giao UBND huyện Tuy An chỉ đạo các ngành chức năng của huyện khẩn trương, xử lý dứt điểm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định pháp luật; chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý quy hoạch. Những trường hợp nằm trong quy hoạch dự án Đầu tư nuôi trồng thủy sản đầm Ô Loan, UBND huyện Tuy An phối hợp với Sở TN-MT kiểm tra, xem xét cụ thể để tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn các trường hợp nằm ngoài quy hoạch, phải xử lý dứt điểm theo thẩm quyền. Đối với vành đai khoanh vùng bảo vệ di tích, UBND huyện phải thực hiện nghiêm: “Khu vực 1 phải được bảo vệ nguyên trạng gồm toàn bộ diện tích 1.200ha mặt nước đầm; bờ đầm tính từ mặt nước lên 100m, không cho phép bất cứ công trình xây dựng nào ở trong khu vực này”. Tuy nhiên, đến nay tình trạng xâm hại thắng cảnh vẫn chưa được xử lý triệt để. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý lỏng lẻo của chính quyền các xã trước đây. Cụ thể, từ năm 1997 đến năm 2011 để xảy ra việc 177 hộ vi phạm xây dựng nhà ở với diện tích hơn 14.080m2 trong khu vực bảo vệ đầm và 82 trường hợp xây hồ nuôi trồng thủy sản với diện tích vi phạm hơn 16ha.
Giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Tuy An phải xử lý dứt điểm những trường hợp tự ý xây nhà ở, đắp ao đìa nuôi trồng thủy sản trong đầm; phối hợp với Sở TN-MT kiểm tra, xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định đối với những trường hợp trong vùng quy hoạch dự án Đầu tư nuôi trồng thủy sản đầm Ô Loan. UBND huyện Tuy An và các ngành chức năng thực hiện đúng theo quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích, sớm triển khai cắm mốc và công khai quy hoạch để nhân dân biết. Nhưng đến nay, những nội dung trên vẫn chưa được thực hiện thấu đáo, chỉ duy nhất vào tháng 7/2012, Sở VH-TT-DL cắm tạm thời 350 mốc chỉ giới thực địa trên cơ sở lấy đường giao thông quanh đầm làm ranh giới quản lý trong thời gian trước mắt.
Theo các ngành chức năng, việc quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích nói trên là chưa phù hợp với thực tế, sẽ gây xáo trộn, khó khăn trong đời sống nhân dân. Qua điều tra của UBND huyện Tuy An, trước khi UBND tỉnh ban hành quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích, đã có 1.363 hộ với 3.885 người thuộc các xã An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải và An Ninh Đông sinh sống ổn định trong khu vực bảo vệ di tích. Đó là chưa kể gần 300ha mặt nước đầm bị người dân tự ý đắp ao đìa, xây hồ nuôi thủy sản trái phép.
Thực tế cho thấy, nguồn lợi thủy sản khai thác từ đầm Ô Loan là nguồn thu nhập, mưu sinh chủ yếu của người dân sống quanh đầm. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho việc di dời 1.363 hộ dân đi định cư nơi khác gặp nhiều khó khăn. Theo Chủ tịch UBND huyện Tuy An Nguyễn Phụng Ngoạn, lâu nay người dân đã sinh sống, làm ăn ổn định quanh đầm nên việc đưa họ đến nơi ở khác là rất khó thực hiện; trong khi đó, huyện không thể bố trí khu tái định mới do khó khăn về kinh phí và quỹ đất. Từ thực tế trên, năm 2012, UBND tỉnh đề nghị Bộ VH-TT-DL điều chỉnh lại khu vực bảo vệ di tích, nhưng đến nay cơ quan này vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức. Việc Bộ VH-TT-DL chậm giải quyết đề nghị của tỉnh Phú Yên đã gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ đầm Ô Loan và đời sống, sản xuất của người dân quanh vùng.
PHƯƠNG NAM