Thứ Hai, 25/11/2024 21:33 CH
Nghề làm bánh tráng ở xã Xuân Bình (TX Sông Cầu):
Hướng đến quy hoạch thành làng nghề
Thứ Hai, 18/11/2013 14:00 CH

Sản xuất nhỏ lẻ, trong khi nguồn lao động của địa phương khá dồi dào, nghề làm bánh tráng ở thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình (TX Sông Cầu) cần được quy hoạch để phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

 

banh-trang131118.jpg

Chế biến bánh tráng tại một hộ ở thôn Bình Thạnh - Ảnh: K.ANH

HÌNH THÀNH LÀNG NGHỀ

 

Nghề làm bánh tráng xuất hiện ở xã Xuân Bình từ những năm sau ngày đất nước thống nhất nhưng từ năm 1985 mới phát triển mạnh. Người làm nghề chế biến bánh tráng ở Xuân Bình tập trung nhiều nhất tại thôn Bình Thạnh với hơn 50 hộ nhưng quy mô còn nhỏ, mỗi hộ hằng ngày sản xuất khoảng 40kg nguyên liệu. Điều đáng chú ý, bánh tráng Xuân Bình được làm bằng gạo trắng có pha thêm gạo đỏ, mè đen hoặc trắng và nước cốt dừa nên bánh làm ra có màu đỏ nhạt; người dùng có thể cảm nhận được độ xốp, vị béo của dừa, mùi thơm từ mè rất đặc trưng. Theo người làm nghề bánh tráng ở đây thì với thu nhập hằng tháng từ 1,5 đến 2 triệu đồng/lao động như hiện nay, các gia đình có thể trang trải chi phí hàng ngày và yên tâm gắn bó với nghề.

 

Ông Lê Gươm Thiên, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Bình cho biết: Những lò làm bánh tráng ở xã lâu nay vẫn dùng củi hoặc than để sấy bánh. Nhưng dùng than chi phí cao dẫn đến giá thành bánh cao, khó tiêu thụ, còn dùng củi thì khói bám vào bánh tráng mất đi vị thơm tự nhiên. Nhằm giải quyết vấn đề này, mới đây Sở Công thương đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng TX Sông Cầu, UBND xã Xuân Bình thực hiện mô hình sấy bánh tráng bằng phương pháp thu hồi nhiệt tại hộ anh Nguyễn Viết Thưởng với kinh phí hỗ trợ là 18 triệu đồng. Đây là mô hình được triển khai thí điểm và sẽ nhân rộng cho các hộ sản xuất khác với mục tiêu hướng dẫn các hộ sản xuất thực hiện bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, khắc phục những hạn chế trong quá trình chế biến.

 

Theo chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Bình Thạnh, nhiều hộ dân nơi đây đều tận dụng rác, củi, lá cây… làm chất đốt để tráng bánh. Nếu dùng 40kg gạo trong những ngày nắng thì người dân phải chi đến 70.000 đồng tiền củi; còn khi trời mưa thì số tiền này tăng lên gấp đôi vì phải đốt thêm để hong bánh cho khô. Nhưng khi sử dụng công nghệ sấy bánh bằng hơi thì chị chỉ tốn khoảng 20.000 đồng tiền củi cho cả 2 công đoạn tráng và sấy bánh. “Với chiếc lò hơi này, gia đình tôi sẽ tiết kiệm được nhiều tiền mua than, củi sấy bánh khi trời mưa hay tráng bánh ban đêm vào tháng Chạp phục vụ tết. Quan trọng hơn là khi tận dụng được nhiệt lượng của lò tráng để sấy thì bánh không có mùi khói, công việc sấy bánh của người thợ cũng nhẹ nhàng hơn, không phải hít khói, bụi thải ra từ lò đốt. Mặt khác, công nghệ này có thể hút bụi bẩn và thải ra ngoài nên bảo đảm vệ sinh môi trường ở khu vực chế biến”, chị Tuyết nói.

 

HƯỚNG ĐẾN QUY HOẠCH LÀNG NGHỀ

 

Ông Nguyễn Văn Cảm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Bình cho biết: Về lâu dài, những người làm nghề bánh tráng cần chú trọng đến vấn đề môi trường, bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì đây là giải pháp cơ bản để thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững của bánh tráng Xuân Bình. Vấn đề đặt ra hiện nay là các hộ sản xuất bánh tráng chủ yếu phơi bánh nhờ ánh nắng mặt trời, chưa có thiết bị sấy sản phẩm. Sân phơi còn tạm bợ bằng thanh tre, gỗ nên sản phẩm rất dễ bị nhiễm bụi bẩn và vi sinh. Bà con cũng muốn gắn bó với nghề, có thể áp dụng công nghệ chế biến mới nhưng vì chưa được quy hoạch thành làng nghề ổn định nên chưa mạnh dạn đầu tư.

 

Còn ông Nguyễn Văn Khương, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Xuân Bình cho biết: Nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nghề bánh tráng, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo thu nhập ổn định cho người dân làng nghề thì các hộ cần liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là khâu tiêu thụ để mở rộng quy mô chế biến. Có như thế, bà con mới có thể tìm kiếm thị trường tiêu thụ lâu dài; ngoài ra còn để chia sẻ, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Hiện tình trạng lao động thiếu việc làm của xã còn rất nhiều, do đó, chính quyền và người dân nơi đây rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan chức năng để nghề bánh tráng Xuân Bình sớm được quy hoạch thành làng nghề, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

 

Mới đây, UBND TX Sông Cầu đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khảo sát, lập thủ tục để đề nghị tỉnh công nhận làng nghề bánh tráng thôn Bình Thạnh. Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cũng đã phối hợp với các ngành kiểm tra các hộ sản xuất ở đây trước khi đề nghị UBND tỉnh công nhận làng nghề bánh tráng Xuân Bình.

 

KHANG ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek