Những năm qua, diện tích trồng mía của tỉnh liên tục tăng, người trồng mía thu nhập cao góp phần cải thiện đời sống. Tuy nhiên, nếu cứ theo đà mở rộng diện tích mía thì nhiều diện tích rừng sẽ bị xâm hại. Trong khi kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu mía còn hạn chế.
Do không có công trình thủy lợi nên người dân xã Ea Chà Rang (Sơn Hòa) đầu tư mua xe bồn bơm nước - Ảnh: H.NAM
DIỆN TÍCH MÍA TĂNG
Theo Ban Chỉ đạo điều hành mía đường, sắn tỉnh niên vụ 2012-2013, diện tích mía của tỉnh đạt 23.427ha, vượt so với quy hoạch 5.927ha. Năng suất bình quân đạt 63,5 tấn/ha, sản lượng mía hơn 1,48 triệu tấn. Giá thu mua mía trung bình của các doanh nghiệp mía đường trong tỉnh là 1,03 triệu đồng/tấn, thấp hơn niên vụ trước gần 12%. Các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đã ép hơn 1,27 triệu tấn mía, chiếm 86% sản lượng mía toàn tỉnh và chế biến được hơn 121.800 tấn đường.
Thời gian qua, cây mía mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Phú Hòa. Tại huyện Sông Hinh, một số hộ trồng mía thu về hàng trăm triệu đồng, cá biệt có người thu về tiền tỉ. Ông Nguyễn Xuân Hiệu ở xã Ea Ly (Sông Hinh), trồng 1,6ha mía, nhờ đầu tư chăm sóc tốt nên năng suất mía đạt gần 100 tấn/ha. Theo ông Hiệu, với giá mía như hiện nay, ông thu gần 1,5 tỉ đồng, chưa trừ chi phí. Còn ông Nguyễn Văn Mỹ có trang trại mía ở xã Ea Ly rộng 2,6ha thì cho hay, với diện tích mía này sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 1 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phước cho hay, năng suất mía trung bình toàn xã đạt 65 tấn/ha, cá biệt một số vùng bà con có tưới nước năng suất lên đến 80 tấn/ha. Xã đã tuyên truyền nông dân chú trọng đầu tư nâng cao năng suất bằng cách trồng mía, mở rộng diện tích nước tưới. Thời gian đến, địa phương huy động nguồn vốn đầu tư công trình đập nổi để tưới tiêu vùng nguyên liệu mía.
ÐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Hiện Nhà máy đường TUSOCO (Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa) hoạt động với công suất 2.350 tấn/ngày, dự kiến trong thời gian tới nhà máy sẽ nâng công suất lên 2.500 tấn/ngày. Nhà máy sẽ nâng diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu mía từ 6.000ha lên 10.000ha, trong đó tại huyện Sông Hinh 8.000ha, huyện Tây Hòa 2.000ha. Thời gian qua, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cũng đã triển khai các chính sách ưu đãi đến người trồng mía như đầu tư mía giống, phân bón, hợp đồng bao tiêu sản phẩm... và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ông Lê Tấn Đàm, Phó tổng giám đốc phụ trách nguyên liệu công ty cho biết: “Công ty đang thực hiện chính sách đầu tư giống, giao thông, thủy lợi, đưa khoa học kỹ thuật vào trồng mía nâng cao năng suất; có chính sách thu mua mía ngay từ đầu vụ để nông dân yên tâm sản xuất”.
Niên vụ này, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam tiếp tục đầu tư cho nông dân mua các loại máy bơm nước, máy cày chảo để cày sâu, máy đánh luống, máy rạch hàng, máy trồng mía, máy bốc mía, máy xới đất loại nhỏ để cày giữa hàng và máy cày phun thuốc cỏ mà không tính lãi suất. Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ nông dân 3.000 đồng/tấn mía ép để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nội đồng, giúp cho việc vận chuyển mía thuận lợi. Ngoài ra đơn vị này còn đưa các giống mía K83-29, K84-200, K95-156, K95-84, Suphanburi 7, Uthong 7, Uthong 3, Thái Lan 2, KK2, LK 92-11 có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Một trong những nguyên nhân mà năng suất mía ở Phú Yên còn thấp là vì hầu hết diện tích mía thiếu nguồn nước tưới. Do vậy, điều nông dân cần nhất hiện nay là đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới nước. Ông Hà Châu Ánh, một nông dân trồng mía ở xã Ea Chà Rang (Sơn Hòa) cho hay: “Có công trình thủy lợi phục vụ nước tưới thì nông dân mới trồng rải vụ được. Nếu không thì cứ theo thời tiết, tập quán cũ, đến vụ mía chín nông dân tập trung thu hoạch cùng lúc sẽ tạo áp lực cho nhà máy. Hơn nữa vùng trồng mía có nước tưới thì người trồng sẽ chủ động bón phân, làm cỏ mới tăng năng suất, “giải hạn” khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài”.
Theo Ban Chỉ đạo điều hành mía đường, sắn tỉnh, công tác thủy lợi hiện chưa đáp ứng nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu. Hiện diện tích mía có nước tưới là 1.328ha, chỉ đạt 5,7% so với tổng diện tích mía toàn tỉnh. Do vậy việc triển khai trồng rải vụ trên diện rộng thời gian qua không được cải thiện.
Hạ tầng vùng nguyên liệu mía Sơn Hòa còn nhiều hạn chế cần được đầu tư để phát triển bền vững - Ảnh: N.TRƯỞNG
Cũng theo Ban Chỉ đạo điều hành mía đường, sắn của tỉnh, mía là cây trồng chủ lực đối với người dân ở các huyện miền núi. Thời gian qua, vùng nguyên liệu mía liên tục được mở rộng là do người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp. Khi giá mía tăng cao, người dân không ngần ngại phá rừng để trồng mía dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Đây là vấn đề đáng lưu ý khi phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Mặt khác, để ổn định vùng nguyên liệu mía, nâng cao năng suất, các doanh nghiệp mía đường, địa phương cần đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đưa phương tiện cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu trồng đến khâu thu hoạch để tăng hiệu quả kinh tế.
Tại hội nghị tổng kết mía đường niên vụ 2012-2013 vừa tổ chức, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc chỉ đạo, trong thời gian đến các ngành, địa phương, doanh nghiệp phối hợp trong việc huy động lồng ghép các nguồn vốn để đẩy mạnh phát triển giao thông, thủy lợi; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình thủy lợi để tăng diện tích mía có nước tưới. Bên cạnh đó chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chọn lọc các giống có hiệu quả theo từng vùng đất để nhân rộng, đầu tư cơ giới hóa để nâng cao năng suất và chất lượng vùng nguyên liệu.
Theo Ban Chỉ đạo điều hành mía đường, sắn tỉnh, trong niên vụ 2013-2014, dự kiến diện tích mía toàn tỉnh đưa vào sản xuất là 23.773ha, tăng 6.273ha so với quy hoạch. Sản lượng mía đạt khoảng 1,54 triệu tấn và trên cơ sở đó các nhà máy đường đưa ra kế hoạch ép 1,35 triệu tấn với sản lượng đường sản xuất là 127.000 tấn, tăng 4% so niên vụ trước. |
MẠNH HOÀI NAM