Tuyến giao thông Trung Trinh - Vũng La là tuyến đường chính của xã Xuân Phương, kết nối giao thông với QL1 và xã Xuân Thịnh. Nhiều năm nay con đường này đã xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt và giao thương của người dân.
Đoạn lầy lội qua thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương là nỗi ám ảnh của người đi đường - Ảnh: T.HƯƠNG
Tuyến giao thông Trung Trinh - Vũng La nối QL1 chạy dọc theo xã Xuân Phương qua các thôn Trung Trinh, Phú Mỹ, Dân Phú 1 và Dân Phú 2, dài khoảng 14km, là tuyến đường huyết mạch của xã, góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Theo nhiều người dân ở đây, trước kia, khi tuyến đường này chưa có, bà con đi lại rất khó khăn, phải băng qua các hẻm nhỏ, bờ ruộng để ra QL1. Năm 1998, Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường Trung Trinh - Vũng La, việc mua bán, giao thương của người dân thuận lợi, cuộc sống ngày càng phát triển. Tuy nhiên vì là đường đất, qua thời gian dài sử dụng nên nhiều năm nay tuyến đường này đã xuống cấp, nhiều đoạn bị hư hỏng nặng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Bà Nguyễn Thị Huyền Chi, Trưởng thôn Trung Trinh cho biết: Đoạn đường qua thôn Trung Trinh khoảng 3km, vài năm trước vì nhiều đoạn bị hư nặng, người dân không thể đi lại nên Nhà nước đã đầu tư làm bê tông gần 1km, những đoạn còn lại vẫn là đường đất. Vì vậy, hầu hết các hộ có nhà 2 bên đường phải chịu cảnh sống chung với bụi những khi có nhiều xe chạy ngang qua. Theo bà Nguyễn Thị Của ở thôn TrungTrinh, nhà bà ở ngay mép đường, xe cộ qua lại thường xuyên, cộng với gió biển nên trong nhà lúc nào cũng có bụi, mặc dù luôn đóng kín cửa. Tương tự, các hộ dân có nhà cặp tuyến đường từ Trung Trinh đến Vũng La đều chung cảnh khổ này.
Vào mùa mưa, tuyến đường này trở nên lầy lội, trơn trượt, gây khó khăn trong giao thông. Ông Huỳnh Văn Đệ, một người dân sống ở đây cho biết: Vào mùa mưa, người đi trên đường thường bị trượt ngã vì đường quá trơn trượt, quá nhiều ổ gà, ổ voi. Nhưng khổ nhất vẫn là các cháu nhỏ mỗi ngày phải đi qua đoạn đường này để đến lớp. Ông Trần Văn Trị cho hay: “Con gái tôi đang học ở Trường THPT Phan Chu Trinh. Đến mùa mưa, cháu phải xếp áo dài trong cặp mang theo, đến gần trường thì vào nhà người quen thay nhờ đồ rồi mới đến lớp. Còn các cháu nhỏ thì sau mỗi buổi học về tay chân, quần áo chẳng khác gì đi làm ruộng”.
Hiện nay, một trong những đoạn đường bị bùn lầy nặng nhất đó là đoạn qua thôn Dân Phú 2 dài khoảng 500m. Ông Đoàn Văn Lợi, người dân sống ở thôn này cho biết: Qua đợt mưa vừa rồi, đến nay đoạn đường này vẫn còn ngập bùn quá đầu gối, xe tải nhỏ loại 1 cầu còn không đi được thì xe máy cũng chịu thua. Khổ nhất là những người ốm đau, phải nằm cáng để người thân khiêng ra ngoài. Trong khi đó, hiện nay vùng nuôi tôm ở Vũng La đang vào vụ thu hoạch, đường đi lại khó khăn đẩy chi phí thu hoạch lên cao, ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi tôm. Ông Võ Văn Học, người chuyên thu mua tôm ở Vũng La cho biết: Vì đường hư nặng xe tải không thể đến tận nơi thu mua, tôi phải thuê xe máy thồ tăng bo. Mỗi chuyến xe tốn 50.000 đồng chỉ chở được 10kg tôm mà xe phải chạy vòng qua các hẻm nhỏ trong xóm hay chạy dọc bờ ruộng để đưa ra đường. Vì vậy, tôi phải thu mua giá thấp hơn để bù vào chi phí này.
Chủ tịch UBND xã Xuân Phương Hồ Nam Yên cho biết: Hằng năm, địa phương chi kinh phí để san ủi, khắc phục tạm thời những đoạn hư nặng để bà con đi lại thuận tiện, nhưng đường lại tiếp tục hư sau mỗi mùa mưa. Để ổn định đời sống của nhân dân, địa phương rất mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ để bê tông hoàn thiện tuyến đường này.
Trước thực trạng trên, nhiều năm nay UBND TX Sông Cầu đã nỗ lực để bê tông hóa con đường này. Tuy nhiên vì nguồn lực hạn hẹp nên chính quyền cũng chỉ cố gắng bê tông những đoạn đường hư nặng. Những đoạn còn lại vẫn tiếp tục chờ dự án đầu tư hoặc chờ kinh phí để được bê tông. Theo ông Nguyễn Lâm Sắt, Trưởng ban quản lý các công trình Đầu tư và xây dựng cơ bản TX Sông Cầu, tính đến nay địa phương đã thực hiện bê tông được 5 đoạn với khoảng 3km trên tuyến giao thông Trung Trinh - Vũng La, để khắc phục tạm thời tại một số vị trí hư hỏng nặng trên tuyến, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân địa phương.
TUYẾT HƯƠNG - ANH NGỌC