Thi công quá chậm, không đúng quy trình kỹ thuật, mất an toàn lao động, đó là những sai phạm tại Dự án nhà máy thủy điện La Hiêng 2 do Công ty cổ phần VRG Phú Yên triển khai tại huyện Đồng Xuân.
Đập tràn thủy điện La Hiêng 2 được cho là xây dựng không đúng với quy trình thiết kế kỹ thuật - Ảnh: P.NAM
CHẬM TIẾN ĐỘ
Dự án nhà máy thủy điện La Hiêng 2 chiếm diện tích đất hơn 171.000ha; trong đó đất rừng trên 97.000ha. Dự án khai thác nước suối La Hiêng là nhánh suối cấp 1 của sông Kỳ Lộ, dùng đập dâng chặn dòng để tích nước vào hồ chứa, với lưu lượng khai thác nước lớn nhất để phát.
Được khởi công từ tháng 9/2009, Dự án nhà máy thủy điện La Hiêng 2 tại xã Phú Mỡ (Đồng Xuân) có công suất lắp máy 18MW, tổng vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng, do Công ty cổ phần VRG Phú Yên thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam làm chủ đầu tư, liên danh các nhà thầu Trung Quốc thi công. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ phát điện vào cuối năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành. Hạng mục chậm nhất và mất an toàn là đường hầm dẫn nước dài 3.636m, được thi công đấu nối hai đầu. Trong đó, đường hầm phía nhà máy đã đào được 1.863m, bên cửa nhận nước đào được 1.706m, còn khoảng 100m là thông tuyến thì xảy ra tai nạn. Ông Nguyễn Danh, người được các nhà thầu Trung Quốc thuê lái xe đổ đất, đá trong đường hầm cho biết: “Làm việc trong đường hầm vô cùng nguy hiểm, đất đá thường xuyên lở, rơi xuống mặt hầm, có thể sụp đổ gây chết người bất cứ lúc nào. Biết là nguy hiểm, nhưng vì miếng cơm, manh áo nên đành chấp nhận rủi ro”.
Ông Cao Vỹ, Giám đốc điều hành xây dựng Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 thừa nhận: “Do yếu tố địa chất nên sự cố sụp lở hầm cục bộ thường xuyên xảy ra. Trong tháng 5 vừa qua, liên tiếp xảy ra sụp lở tại nhiều đoạn đường hầm”. Theo ông Vỹ, địa chất của khu vực xây dựng đường hầm khá phức tạp, đơn vị phải thường xuyên thay đổi biện pháp thi công so với khảo sát ban đầu để đảm bảo tiến độ.
Ông Lê Văn Bạch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VRG Phú Yên cho biết, dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong năm 2013. Nhưng theo nhận định của các ngành chức năng, hiện đã vào mùa mưa, lại xảy ra vụ tai nạn lớn vừa qua, nên việc hoàn thành toàn bộ dự án trong năm nay là khó khả thi.
NHIỀU SAI PHẠM
Theo cơ quan chức năng, đê bao chắn lũ bờ suối La Hiêng ở phía cửa nhận nước không có; cửa thoát lũ dưới đáy bờ tràn lại quá nhỏ, không khác gì ống cống dẫn nước thủy lợi nội đồng. Đơn vị thi công không nắm vững đặc thù địa hình, khí hậu của địa phương, như việc khu vực này thường xuyên có nước khách (nước lũ đột ngột)… Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc 3 nạn nhân đang thi công trong hầm bị nước lũ “tấn công” không lối thoát. Mặt khác, hệ thống đường nội bộ công trình quá nhỏ, đất đá lởm chởm, độ dốc cao, góc cua gấp không có rào chắn. Các thiết bị vận chuyển, thi công lại quá cũ kỹ, lạc hậu; nhà cửa, lán trại của cán bộ kỹ thuật và công nhân quá sơ sài. Việc phân công người trực cảnh giới lũ và đóng, mở van đường hầm lại không đảm bảo thường xuyên, dẫn đến nguy cơ mất an toàn công trình, an toàn lao động và liên tục bị sự cố. Các công nhân ở đây không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm…
Theo thanh tra Bộ TN-MT, tại thời điểm kiểm tra Dự án thủy điện La Hiêng 2 vào tháng 1/2013, thì diện tích đất phụ trợ đang sử dụng đã hết hạn thuê đất nhưng chưa hoàn chỉnh hồ sơ gia hạn. Chủ đầu tư cũng chưa thuê đất đối với hạng mục đường dây trung áp và trạm biến áp. Chất thải rắn phát sinh ở khu vực đầu mối thủy điện và khu vực nhà máy, lòng suối La Hiêng và chất thải nguy hại chưa được thu gom, xử lý theo báo cáo đánh giá tác động môi trường. Công ty cổ phần VRG Phú Yên chưa lập hồ sơ, báo cáo về chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động phát điện; chưa lập hồ sơ cấp phép khai thác tài nguyên nước mặt trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, chủ đầu tư chưa thu thập số liệu chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn. Thanh tra Bộ TN-MT đã đề nghị các đơn vị liên quan nghiêm túc khắc phục sai phạm; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa và đập dâng, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu phía hạ du và đoạn sông suối sau đập dâng; lắp đặt hệ thống cảnh báo nguy hiểm tại những nơi có nguồn nước thủy điện.
PHƯƠNG NAM - NGỌC THẮNG