Hàng năm, nông dân trong tỉnh sản xuất trên 30 vạn tấn lúa, trong đó chủ yếu là những giống cho năng suất cao nhưng chất lượng chưa cao như ML213, ML49, ML48, ML68, OM2695-2, ĐV108... Tuy nhiên, mỗi vụ nông dân sử dụng từ 30 đến 40 loại giống khác nhau nên sản lượng lúa hàng hóa không đều, khó tiêu thụ.
Thu hoạch lúa ở huyện Phú Hòa - Ảnh: N.TRƯỜNG
NĂNG SUẤT CAO, CHẤT LƯỢNG CHƯA CAO
Theo Sở NN-PTNT, kết quả điều tra của dự án tăng cường năng lực chọn tạo giống tại cộng đồng, với nông dân tại 3 điểm thuộc dự án vùng trọng điểm lúa của tỉnh đó là thị trấn Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa), các xã Hòa Tân Tây (Tây Hòa) và Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) cho thấy, trong tổng số sản lượng lúa thu hoạch của mỗi hộ thì người dân sử dụng cho các mục đích như: 5% dùng để làm giống cho vụ sau, 36% dùng để ăn cho đến vụ lúa mới, 6% dùng cho các mục đích khác và 53% còn lại bán cho thương lái. Theo tập quán, nông dân thường bán “lúa một nắng” có độ ẩm khoảng 17 đến 18%, chưa được giê sạch, các thương lái thu mua và bán lại cho các cơ sở xay xát nhỏ trong địa phương hoặc bán cho các cơ sở xay xát có công suất lớn. Cùng với các vùng trồng lúa khác trong cả nước, giá lúa tại Phú Yên cũng do thương lái quyết định nên việc được mùa mất giá là điều không tránh khỏi.
Vụ đông xuân 2012-2013, trong khi năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 67,3 tạ/ha, cao nhất trong nhiều năm qua, thế nhưng người nông dân chưa kịp vui mừng thì lại phải đối mặt với nỗi lo mất giá, giá lúa thấp từ 4.500 đến 4.700 đồng/kg. Bên cạnh đó, với diện tích manh mún, từ 500 đến 1.000 m2/thửa, với khoảng 40 chủng loại giống lúa khác nhau được sử dụng cho mỗi vụ sản xuất, điều này đã tạo nên một lượng lúa hàng hóa không đồng đều. Chất lượng, độ ẩm chưa đạt tiêu chuẩn, do đó tỉ lệ gạo xay đạt thấp, khoảng 62 đến 63%. Vì vậy, dẫn đến tình trạng diện tích lúa khá lớn, sản lượng lúa cao nhưng người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh chưa từng thấy gạo Phú Yên trên thị trường. Vậy gạo Phú Yên đã đi về đâu?
Bà Nguyễn Thị Mơ, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết: “Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, với các giống lúa ML được trồng chủ lực tại Phú Yên khi nấu cơm rất nở, khi nguội trở nên cứng, do đó chỉ một lượng nhỏ gạo Phú Yên được tiêu thụ nội địa, tại các vùng nông thôn, còn ở thành thị lại sử dụng gạo thơm, dẻo, gạo Sài Gòn (tức là các loại gạo có chất lượng cao được sản xuất chủ yếu tại đồng bằng sông Cửu Long), gạo thơm Thái Lan… Gạo Phú Yên chủ yếu được tiêu thụ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Trung Quốc…”.
Còn ông Huỳnh Kim Tường, chủ cơ sở xay xát lương thực Tường Liên ở Cụm công nghiệp Hòa An (Phú Hòa) cho biết: “Cơ sở xay xát của tôi mỗi ngày xay được 20 đến 25 tấn gạo (khoảng từ 35 đến 40 tấn lúa), đa số là giống ML202 và một lượng ít gạo dẻo (ML48). Trong khi đó, đa số giống lúa Phú Yên có năng suất cao nhưng chất lượng gạo kém nên thị trường không ưa chuộng. Nếu có mua để xay thì cũng chỉ bán lẻ vài trăm ký chứ không thể sản xuất gạo hàng hóa được”. Ông Tường cho biết thêm, ông có một đội ngũ thương lái là bạn hàng ở các vùng chuyên trồng lúa ML202 và ML48 ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận. Ở đó, các thương lái sẽ thu gom lúa, kiểm tra độ ẩm, chất lượng lúa gạo và bán cho cơ sở Tường Liên. Giá lúa thu mua (thời điểm tháng 7/2013) tại chỗ là 5.600 đồng/kg, về tới Phú Yên giá lúa dao động từ 6.000 đến 6.400 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ đa số là các tỉnh vùng núi phía Bắc và Trung Quốc với giá gạo thường là 8.300 đồng/kg, gạo dẻo là 8.500 đến 8.600 đồng/kg. Một điều đáng buồn là trên bao bì chỉ để tên cơ sở sản xuất theo đặt hàng của bên mua chứ không ghi địa chỉ Tuy Hòa - Phú Yên thì mới bán được gạo. Tìm trên lô gạo đã được đóng thành phẩm, chúng tôi không hề thấy một địa chỉ hay thông tin gì liên quan đến Phú Yên.
Một số chủ cơ sở xay xát lương thực có công suất lớn trên địa bàn tỉnh như Huỳnh Mẫn (thôn Phước Lộc 1, xã Hòa Thành, Đông Hòa); Ngưu Thảo (thôn Đông Lộc, xã Hòa Thắng, Phú Hòa) chủ yếu thu mua lúa trong tỉnh. Chủ cơ sở xay xát Huỳnh Mẫn cho biết: “Cơ sở của tôi hoạt động được 28 năm, chuyên thu mua và xay xát gạo dẻo (ML48) do thương lái thu gom từ xã Hòa Phong và Hòa Phú (Tây Hòa). Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc và trên bao bì cũng không ghi địa chỉ”.
Bà con nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa chất lượng cao - Ảnh: H.NAM
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU “GẠO PHÚ YÊN”
Để góp phần nâng cao nhận thức người dân tiến tới quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa, trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã liên tiếp xây dựng các mô hình trình diễn cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng cao, thực hiện “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất; cùng với đó là chương trình khảo nghiệm các giống lúa mới, nhằm hướng bà con nông dân tới việc chú trọng sử dụng giống lúa chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, do các giống lúa chất lượng thường có năng suất thấp, lại chưa quy hoạch được vùng sản xuất lúa hàng hóa, chưa xây dựng được mắt xích cuối cùng trong chuỗi sản xuất là tìm doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nên dẫn đến tình trạng lúa chất lượng sản xuất ra “ăn không hết” nhưng “bán không đủ”, bị tư thương ép giá, chỉ mua với giá ngang bằng hoặc nhỉnh hơn giá các giống lúa chất lượng thấp khác. Cũng có một số HTX khi tham gia chương trình sản xuất lúa chất lượng đã bước đầu tiến hành thu mua sản phẩm nhưng lại gặp khó khăn do diện tích manh mún, lượng lúa hàng hóa trên hộ sản xuất thấp… nên không thể thu gom đủ lượng lúa theo yêu cầu và người nông dân vẫn chưa mặn mà với việc đưa các giống lúa này vào sản xuất đại trà.
Tại diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Phát triển lúa chất lượng” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT vừa tổ chức tại Phú Yên, ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Để phát triển lúa chất lượng, trong thời gian đến Phú Yên cần tập trung chú trọng đến các giải pháp về giống, thời vụ canh tác, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công tác thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất, liên kết 4 nhà, tổ chức sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu áp dụng đồng bộ kỹ thuật tiên tiến tạo sản phẩm chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo cho địa phương…
Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, hiện nay các địa phương đang thực hiện chính sách tam nông, dồn điền, đổi thửa, quy hoạch thành vùng sản xuất lúa hàng hóa. Ban đầu làm thí điểm để nông dân tham quan học tập sau đó nhân rộng. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các cơ sở thu mua đảm bảo việc bao tiêu sản phẩm. Từ đó hướng dẫn nông dân tiến đến sản xuất lúa chất lượng đại trà, xây dựng thương hiệu gạo Phú Yên trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
DIỄM MƠ - LÊ TRÂM