Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) là trách nhiệm của xã hội, Nhà nước và của bản thân người tiêu dùng. Báo Phú Yên ghi lại những ý kiến của các cán bộ, lãnh đạo ở một số đơn vị quản lý nhà nước tại lớp tập huấn Luật BVQLNTD do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công thương vừa tổ chức tại Phú Yên.
* ÔNG NGUYỄN PHƯƠNG NAM, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ CẠNH TRANH (BỘ CÔNG THƯƠNG): Vai trò quản lý nhà nước là nhân tố quyết định
Trong quá trình gia nhập tổ chức thương mại thế giới, vấn đề cạnh tranh, BVQLNTD được đặt ra cho các nước. Do đó, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã xác định vấn đề BVQLNTD cần triển khai đến các tỉnh, cụ thể như công tác tuyên truyền, quản lý nhà nước, từng bước hướng dẫn nghiệp vụ quản lý cho các cơ quan, các cán bộ, nhân viên quản lý của các đơn vị Nhà nước. Vấn đề quan trọng là các cơ quan, đơn vị này phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác BVQLNTD.
Đến nay, cả nước có 47 tỉnh, thành phố đã thành lập Hội BVQLNTD. Phú Yên là 1 trong 2 tỉnh trên cả nước (sau TP Hà Nội) được Cục Quản lý cạnh tranh phổ biến sâu Luật BVQLNTD đến cấp xã, huyện… Theo quy định, hiện các loại hàng hóa được cung cấp trên thị trường phải được sự giám sát của người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, công tác BVQLNTD là vô cùng phức tạp nếu công tác quản lý nhà nước không được quán triệt đầy đủ tại các đơn vị. Công tác quản lý nhà nước sẽ là một trong những nhân tố quyết định thành công cho việc bảo vệ người tiêu dùng của các tỉnh.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, hiện nay Bộ Công thương đang đề nghị Chính phủ, UBND các cấp tăng cường kiểm tra giám sát các hành vi vi phạm Luật BVQLNTD, quy định rõ thẩm quyền UBND các cấp tham gia BVQLNTD.
* ÔNG VÕ NGỌC, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG KINH TẾ TP TUY HÒA: Phải phổ biến luật đến từng cá nhân quản lý nhà nước
Hiện nay, vai trò của các đơn vị, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng đã được xã hội hóa trong Luật BVQLNTD và Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng hoạt động của các hội BVQLNTD còn rất mờ nhạt, công tác phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước, các tổ chức và người tiêu dùng chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của xã hội. Để tăng hiệu quả của công tác BVQLNTD, ngoài các cơ quan liên quan, Hội BVQLNTD của tỉnh thì việc thành lập các tổ chức hội phụ trách công tác này tại các địa phương cấp huyện và tương đương là rất cần thiết. Vì việc mua bán hàng hóa kém chất lượng, hàng giả… còn xảy ra phổ biến ở các tuyến huyện, xã, phường, nhất là các vùng nông thôn, miền núi và nhiều vấn đề khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Hiện nhiều địa phương trong tỉnh chưa thành lập hội nên kiến thức về Luật BVQLNTD chưa được triển khai rộng rãi trong bộ phận cán bộ, nhân viên và công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có cơ chế, tạo điều kiện để nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời nhằm gia tăng sức mạnh, bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn.
* BÀ ĐẶNG THỊ KIM ÁNH, CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN PHƯỜNG 2 (TP TUY HÒA): Để dân nắm luật thì cán bộ phải hiểu luật
Thời gian qua, rất ít người dân đến phường để phản ánh về vấn đề có liên quan đến quyền lợi của mình. Điều này không phải vì chất lượng hàng hóa, dịch vụ tốt lên, hiện tượng gian lận trong kinh doanh không còn... mà chủ yếu là do người tiêu dùng không lưu giữ hóa đơn chứng từ, không tìm hiểu kỹ về sản phẩm, không đủ cơ sở khiếu nại… nên ngại khiếu kiện, sợ phiền hà, mất thời gian mà không mang lại hiệu quả gì và quan trọng hơn là họ còn mù mờ về Luật BVQLNTD. Do vậy để thay đổi tư tưởng, suy nghĩ của người dân thì mỗi cán bộ, nhân viên của các đơn vị quản lý nhà nước phải quán triệt các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, ý thức về trách nhiệm của mình trong công tác BVQLNTD, nhất là phải quán triệt đầy đủ nội dung Luật BVQLNTD. Vì khi hiểu rõ những thông tin, nắm vững các quy định, các cán bộ, nhân viên mới có thể tuyên truyền, hướng dẫn đúng cho người dân, làm chỗ dựa tin cậy cho dân. Đồng thời, mỗi cán bộ, nhân viên cũng là người tiêu dùng nên xem việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của dân cũng là bảo vệ chính mình.
KHANG ANH (thực hiện)