Thời gian qua, nguồn vốn của Agribank Phú Yên đã giúp cho nhiều tổ chức, cá nhân ở vùng nông thôn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu. Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng liên quan trong việc cho vay theo Nghị định 41 của Chính phủ.
ÔNG TRẦN VĂN CƯ, CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN TỈNH: Cần mở rộng đối tượng vay ở khu vực thành thị có sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, lãi suất ngân hàng hạ rất nhanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các hộ nông dân mạnh dạn vay vốn để triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh mới. Đến nay, thông qua thỏa thuận liên ngành giữa Agribank Phú Yên và Hội Nông dân tỉnh, chúng tôi đã thành lập hơn 1.000 tổ vay vốn là với 23.705 tổ viên tham gia, dư nợ đạt hơn 628,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ vốn được giải ngân so với nhu cầu thực tế của hộ vay còn thấp. Nhiều người dân sinh sống tại khu vực phường, thị trấn ở Phú Yên vẫn sản xuất nông nghiệp nhưng chưa thể vay vốn theo Nghị định 41. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị ngân hàng nên mở rộng đối tượng vay sang khu vực thành thị có sản xuất nông nghiệp để nhiều người dân được hưởng lợi từ chính sách.
Về phần mình, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp với các hội cơ sở rà soát kế hoạch sản xuất, kinh doanh của hội viên, đa dạng hóa các mô hình, thử nghiệm những cây trồng, vật nuôi mới. Chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn hội viên tiếp cận với các mô hình làm ăn hiệu quả với quy mô lớn để cùng ngân hàng thẩm định, nâng hạn mức cho vay, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
ÔNG LÊ ĐỆ, TỔ TRƯỞNG TỔ VAY VỐN Ở XÃ BÌNH NGỌC (TP TUY HÒA): Thẩm định tốt từ cơ sở, đảm bảo thu hồi vốn
Tổ vay vốn của tôi có 30 thành viên với dư nợ khoảng 760 triệu đồng. Hầu hết mọi người đều dùng vốn để sản xuất, chăn nuôi, hoạt động thương mại, dịch vụ vận tải… Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích, đồng vốn phát huy hiệu quả nên nhiều hội viên trong tổ đã cải thiện được cuộc sống, làm giàu chính đáng. Một số người còn mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, được ngân hàng cung ứng vốn kịp thời nên ăn nên làm ra, được công nhận là nông dân sản xuất giỏi các cấp.
Hiện kinh tế khó khăn nên ai có mô hình hiệu quả thì mới dám vay vốn. Vì vậy, đối với khách hàng cũ, tôi thường xuyên tiếp cận để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, xem họ có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh với cán bộ tín dụng để tháo gỡ. Đối với những khách hàng mới, có nguyện vọng vay, trước tiên, tôi sẽ nắm bắt thông tin, trao đổi kỹ càng với hộ vay về mục đích vay vốn, năng lực sản xuất, kinh doanh; sau đó mới báo cáo với cán bộ tín dụng để thẩm định cho vay. Theo tôi, việc hỗ trợ vốn cho bà con là cần thiết nhưng không nên cào bằng mà phải sàng lọc, thẩm định cẩn thận từ cơ sở, đảm bảo cho vay đúng đối tượng mới thu hồi được vốn.
BÀ VƯƠNG THỊ HẤN, HỘ VAY Ở XÃ HÒA QUANG BẮC (PHÚ HÒA): Nâng mức cho vay để có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh
Trước đây, vì thiếu vốn nên gia đình tôi chỉ buôn bán gạo nhỏ lẻ, tiền lời không kiếm được là bao. Từ ngày Agribank Phú Yên có quy định cho nông dân vay tín chấp, tôi đã mạnh dạn làm hồ sơ vay, cộng thêm vốn trong nhà để đầu tư mua máy xay xát gạo, làm dịch vụ. Kinh doanh hiệu quả, đến hạn, tôi trả hết nợ và tiếp tục vay mới để mua lúa tích trữ, mua bò nghé về nuôi. Từ hơn 3 năm nay, tôi là khách hàng của Agribank Phú Hòa, hiện gia đình vẫn đang vay tín chấp 30 triệu đồng tại ngân hàng này.
Việc ngân hàng cho nông dân vay không cần tài sản đảm bảo giúp chúng tôi dễ dàng tiếp cận vốn để sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện mức vay tín chấp ngân hàng phê duyệt còn thấp, rất khó để người dân đầu tư làm ăn với quy mô lớn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Agribank Phú Yên nâng hạn mức tín chấp, kéo dài thời hạn cho vay để nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cán bộ tín dụng của ngân hàng cũng hãy là người bạn đồng hành, giúp đỡ, tư vấn tài chính, định hướng cho hộ vay làm ăn hiệu quả, đúng nhu cầu thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình.
LÊ HẢO (ghi)