Hơn 3 năm thực hiện cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên đã đồng hành cùng nông dân, tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con có vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Agribank Phú Yên cam kết tiếp tục cung ứng vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh - Ảnh: L.HẢO
DƯ NỢ TĂNG NHANH
Khi Nghị định 41 của Chính phủ ra đời, Agribank Phú Yên đã ký thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để thành lập các tổ vay vốn và cho vay qua tổ. Từ đó đến nay, Agribank Phú Yên đã giải ngân hơn 8.090 tỉ đồng cho hơn 72.400 lượt khách hàng vay vốn; trong đó có 64.950 cá nhân, hộ gia đình, 335 doanh nghiệp, còn lại là các hợp tác xã và tổ hợp tác. Dư nợ cho vay theo nghị định này tăng từ 1.789 tỉ đồng (tháng 12/2010) lên 2.698 tỉ đồng (tháng 8/2013), tốc độ tăng gần 47%, hiện chiếm 83,6% tổng dư nợ của chi nhánh. Agribank Phú Yên còn cho 3.166 lượt khách hàng vay vốn xây dựng nông thôn mới với doanh số 441 tỉ đồng.
Nhờ triển khai tốt Nghị định 41 nên hơn 3 năm qua, Agribank Phú Yên đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho hàng trăm ngàn hộ nông dân. Nghị định này ra đời cũng giúp khơi thông tín dụng, tạo nhiều ưu đãi cho khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển, nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của đa số người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại.
VẪN CÒN NHIỀU RỦI RO
Tuy nhiên, trong quá trình cho vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Agribank Phú Yên cũng gặp không ít khó khăn. Theo quy định của Nghị định 41, trường hợp cho vay vốn không có bảo đảm thì khách hàng phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nếu chưa có thì UBND cấp xã chỉ xác nhận 1 bản duy nhất và nộp cho ngân hàng. Nhưng trên thực tế, khách hàng nộp GCNQSDĐ nông nghiệp hoặc giấy xác nhận của UBND xã, sau đó lập thủ tục để được cấp GCNQSDĐ ở lâu dài và thế chấp cho ngân hàng khác để vay tiền làm Agribank Phú Yên rất khó thu hồi nợ. Việc hỗ trợ của các sở, ban ngành, địa phương trong việc xử lý nợ đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn còn chưa đồng bộ; một số khách hàng đã ỷ lại, chây ỳ không trả vì các cơ quan liên quan không áp dụng những biện pháp cần thiết để hỗ trợ ngân hàng thu hồi nợ. Việc cho vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn gặp rất nhiều rủi ro, món vay nhỏ, chi phí cao, lãi suất cho vay thấp nhưng ngân hàng không có nguồn vốn rẻ để cho vay. Ngoài ra, “tam nông” là một lĩnh vực rộng, đối tượng đầu tư chịu nhiều tác động của thời tiết, thiên tai, rủi ro bất khả kháng… đã tác động không nhỏ đến việc cho vay.
Thời gian tới, Agribank Phú Yên sẽ tiếp tục đồng hành, cung ứng vốn cho nông dân sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, ngân hàng đề nghị chính quyền địa phương, hội đoàn thể các cấp phối hợp nhiều hơn nữa trong việc triển khai thực hiện Nghị định 41. Trong đó, các hội cơ sở chú trọng việc đào tạo, hướng dẫn, tư vấn cho hộ gia đình trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ngành nghề tại nông thôn; tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nông dân, lao động ở khu vực nông thôn. Tỉnh nên có định hướng về các sản phẩm chiến lược, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của địa phương để các ngành có liên quan hướng dẫn nông dân, hộ cá thể sản xuất, bán sản phẩm ra thị trường. Các địa phương cũng cần đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ để người dân thuận tiện hơn trong việc vay vốn. Hiện Agribank Phú Yên là ngân hàng chủ đạo trong việc thực hiện cho vay theo Nghị định 41 trên địa bàn tỉnh nên đơn vị mong được địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho chi nhánh có nguồn vốn rẻ như nguồn vốn Kho bạc Nhà nước, các nguồn đầu tư xây dựng của tỉnh chưa sử dụng… chuyển về mở tài khoản tại đơn vị để ngân hàng tạm thời sử dụng phục vụ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
TRẦN MINH MẪN
Giám đốc Agribank Phú Yên