Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra khá phổ biến và ngày càng nghiêm trọng. Việc chống gian lận thương mại để bảo vệ quyền SHTT cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các doanh nghiệp, cơ quan chức năng và cả người tiêu dùng.
Khách hàng mua mũ bảo hiểm tại một cửa hàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: K.ANH
NHIỀU CƠ SỞ VI PHẠM
Sở hữu trí tuệ là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị và tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo động lực quan trọng cho đổi mới và cải tiến công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Bảo hộ quyền SHTT giúp loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường; đảm bảo quyền lợi của nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng. Luật SHTT được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006 nhưng hơn 7 năm qua, việc kiểm soát và đấu tranh ngăn ngừa xâm phạm quyền SHTT còn nhiều hạn chế và khó khăn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về việc triển khai một số biện pháp cấp bách chống gian lận thương mại và tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp, các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả xâm phạm quyền SHTT vẫn tồn tại dưới dạng sao chép kiểu dáng, các chỉ dẫn địa lý giả mạo, xâm phạm sáng chế, các giải pháp hữu ích; hay tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh chấp ngay cả lúc đăng ký, xác lập quyền.
Theo thống kê của Bộ KH-CN, từ năm 2006 đến 2012, các lực lượng thanh tra, kiểm tra ở các bộ và các địa phương đã xử lý 4.577 vụ vi phạm về quyền SHTT, tổng số tiền phạt trên 19,7 tỉ đồng và giá trị hàng hóa, phương tiện vi phạm hàng chục tỉ đồng.
Tại Phú Yên, thời gian qua, Đoàn Thanh tra liên ngành đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm quyền SHTT, hàng hóa kém chất lượng như thép, mũ bảo hiểm, phân bón, nước uống… lưu thông trên thị trường. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không công bố hợp quy, chất lượng sản phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm. Trong số 11 cơ sở sản xuất kinh doanh sắt thép, có đến 6 cơ sở vi phạm, có nhiều sắt thép Trung Quốc nhập khẩu được bày bán; có đến 5/5 mẫu mũ bảo hiểm không đạt chất lượng khi kiểm tra; 3/9 mẫu phân bón có chất lượng thấp hơn mức đã công bố; 6/7 mẫu nước uống không đạt tiêu chuẩn; 11/15 mẫu sản phẩm như quạt bàn, quạt treo tường, máy sấy tóc, nồi cơm điện, bàn ủi điện, ấm đun nước siêu tốc... không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, có 10/11 cơ sở kinh doanh sản phẩm điện, điện tử vi phạm pháp luật; 7/20 đơn vị kinh doanh xăng dầu, gas vi phạm về chất lượng, đo lường...
Theo các nhà chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT trong thời gian qua là do siêu lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, có sức thu hút lớn, lôi kéo được nhiều đối tượng tham gia; trong khi các chủ quyền SHTT chưa thực sự chú ý đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà chỉ quan tâm đến các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và quên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp với các cơ quan chức năng, xem việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật. Hàng hóa ngày càng đa dạng trong khi người tiêu dùng chưa quan tâm đến sản phẩm có uy tín mà chỉ chú ý đến giá cả phù hợp với túi tiền. Lợi dụng tình trạng này, một số doanh nghiệp bất chấp các quy định của pháp luật đã bán hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT để thu lợi nhuận.
CẦN PHỐI HỢP ĐỒNG BỘ
Để hạn chế lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền SHTT, các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải xác định trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, tích cực liên kết với các nhà sản xuất trong việc đấu tranh chống hàng giả; thông tin đầy đủ, trung thực về hàng hóa và dịch vụ mà mình cung ứng bảo đảm tính hợp pháp của hàng hóa bán ra, tránh gây thiệt hại cho nhà sản xuất, người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đăng ký bảo hộ quyền SHTT, sở hữu công nghiệp (bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh), thực hiện đầy đủ các quy định về công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật; đăng ký mã số, mã vạch… Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng tìm hiểu về Luật SHTT, tránh xâm phạm quyền SHTT của người khác, hoặc “tự đánh mất thương hiệu của mình”. Theo quy định, sản phẩm đưa vào giao dịch, mua, bán phải thể hiện đầy đủ về ghi nhãn hàng hóa, công bố hợp chuẩn, hợp quy. Trên cơ sở đó, người tiêu dùng cần lựa chọn những sản phẩm có đầy đủ các thông tin cần thiết (tên sản phẩm, tiêu chuẩn, địa chỉ sản xuất, hóa đơn, hạn sử dụng...) để bảo vệ quyền lợi của mình, hạn chế tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng đang được bày bán.
Theo Sở KH-CN, ngoài Luật SHTT, một số luật và văn bản khác về đo lường tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cũng như quyền SHTT cũng đã được triển khai. Nhằm tránh sự chồng chéo trong hoạt động thanh kiểm tra, không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh cần ban hành quy chế phối hợp kiểm tra, thanh tra giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh về sở hữu công nghiệp, chất lượng hàng hóa và xử lý vi phạm hành chính theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như đã được pháp luật quy định (thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường, công an). Đồng thời, các cấp, các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về vấn đề này.
KHANG ANH - VĂN NHO