Thứ Hai, 25/11/2024 07:35 SA
Báo động vệ sinh, môi trường ở miền núi
Thứ Bảy, 12/10/2013 09:00 SA

Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc của nhiều địa phương. Nếu như người dân đô thị phải đối mặt với tình trạng tồn ứ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, ô nhiễm không khí do khói, bụi… thì người dân ở khu vực miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do không có nhà vệ sinh, nuôi nhốt gia súc ở trong khu dân cư, ô nhiễm nguồn nước…

 

MTruong131012.jpg

Nước tù đọng gây ô nhiễm môi trường tại buôn Chơ, xã Krông Pa (Sơn Hòa) - Ảnh: A.NGỌC

VỆ SINH, MÔI TRƯỜNG CHƯA ĐẢM BẢO

 

Hiện nay, ở các vùng miền núi, nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt còn thiếu, nhiều nguồn nước chưa được xử lý, hệ thống giếng đào nhiều nơi không hợp vệ sinh, nước bị nhiễm phèn, nhiễm fluor… Hơn nữa, lượng nước ở các giếng này không đủ để sử dụng (mùa nắng thường bị thiếu nước). Có nhiều thôn, buôn người dân dùng nước giếng nhưng giếng lại đào cạnh các chuồng gia súc, gia cầm… nên nguồn nước thường bị ô nhiễm do chất thải súc vật. Ngoài ra, các vùng miền núi còn chịu sự ô nhiễm do tập quán sinh hoạt, chất thải của các loại gia súc, gia cầm thả rông, các loại thuốc trừ sâu, ô nhiễm bởi nghĩa địa gần khu dân cư… Theo Ma Dết ở buôn Khăm, xã Krông Pa (Sơn Hòa), do số lượng gia súc nhiều nhưng không đủ điều kiện để xây dựng chuồng trại riêng xa khu dân cư nên đa số các hộ nuôi gia súc, gia cầm thường nuôi nhốt gia súc gần nhà ở hoặc dưới gầm nhà sàn. Nhiều công trình nước sinh hoạt được đầu tư nhưng không hoạt động, các giếng đào thì thường xuyên bị thiếu nước vào mùa nắng khiến người dân phải lấy nước suối về dùng. Việc chăn thả gia súc ở các khu vực sông, suối và nuôi nhốt gần nhà đã gây ô nhiễm đến môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bà con…

 

Hơn nữa, người đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi tỉnh Phú Yên quen với cảnh sinh sống tự do nên vấn đề vệ sinh không mấy ai quan tâm và ít được nhắc đến. Hiện ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi trong tỉnh đa số người dân không xây dựng nhà tiêu, hoặc có xây dựng nhưng không hợp vệ sinh nên việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân là điều không thể tránh khỏi. Chính thói quen phóng uế ngoài rẫy, rừng thiên nhiên nên nhiều khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, dẫn tới phát sinh nhiều bệnh tật. Già làng Oi Hoan ở buôn Chao, xã Ea Bá (Sông Hinh), cho biết: “Cuộc sống của đồng bào dân tộc chúng tôi đa số ban ngày gắn liền với nương rẫy, tối mới về nhà nên không mấy ai quan tâm đến việc xây dựng nhà tiêu. Ở buôn Chao hiện có hàng trăm hộ dân, nhưng đến nay chưa có hộ nào xây dựng nhà tiêu, hố xí”.

 

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

 

Hiện chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương nông thôn, miền núi chỉ tập trung vào các vấn đề lớn như xóa đói giảm nghèo, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng cơ sở hạ tầng… mà ít quan tâm đến vấn đề vệ sinh, môi trường. Việc xây dựng nhà tiêu, hố xí, hầm bioga, nhà tắm, chuồng trại gia súc xa nhà ở, phát quang bụi rậm, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh… cũng được các địa phương phát động, song chưa thành một phong trào thu hút toàn dân tham gia. Nhiều địa phương ở vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh đã có sáng kiến đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào các hương ước, quy ước của buôn làng, thành lập các đội thu gom rác thải, có nơi quy định ngày làm vệ sinh thôn xóm. Nhưng cũng có địa phương phát động xong rồi bỏ đó, không giám sát, đôn đốc thường xuyên nên đâu lại về đấy, không mang lại hiệu quả.

 

Ông La Văn Tỷ, Phó ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, cho biết: “Thời gian qua, người dân chưa nhận thức đầy đủ tác hại của ô nhiễm môi trường, nhất là người dân ở khu vực miền núi. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số do thói quen nên hầu hết không xây dựng nhà tiêu, hố xí. Do trình độ thấp nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ theo quy trình, vứt vỏ bao thuốc sâu, thuốc cỏ bừa bãi có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đến đời sống khu dân cư. Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức tập huấn về công tác vệ sinh và bảo vệ môi trường cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và các già làng, trưởng thôn, buôn. Đội ngũ này sẽ làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường ở các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.

 

Ông Phạm Chí Trung, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Dân tộc, cho biết: “Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi về công tác vệ sinh và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trước thực trạng báo động về môi trường trong thời gian qua, các địa phương, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm hơn nữa đến vấn đề vệ sinh, ô nhiễm môi trường ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về môi trường cho đồng bào, có những biện pháp thích hợp, cụ thể, thiết thực để người dân tiếp cận với các điều kiện vệ sinh cơ bản. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào tham gia làm cho môi trường ngày càng trong sạch nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống ở vùng nông thôn, miền núi”.

 

ANH NGỌC - TUYẾT HƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek