Ảnh hưởng bão số 10, mưa kéo dài, nước trên các cánh đồng dâng cao làm ngập đầu “ông Tý”. Chuột chạy lụt dồn lên trên các bờ ruộng cao, nhiều người dân tranh thủ ra đồng diệt chuột.
Cánh đồng phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) ngập nước, nông dân đặt tró, múc nước đổ hang bắt chuột - Ảnh: L.TRÂM
Tại các cánh đồng huyện Tuy An, nước trên các suối, ao hồ tràn về phả bờ ruộng. Nước dâng cao chuột ngộp thở, trồi ra khỏi hang đến ẩn nấp ở khu vực các bờ vùng, bờ thửa trên cao. Tranh thủ cơ hội này, nhiều người dân ra đồng diệt chuột. Ông Nguyễn Tấn Quang ở khu phố Chí Đức, thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) đang tham gia diệt chuột cho hay, mấy anh em ngồi uống cà phê nhìn thấy ruộng nước trắng giăng nên rủ nhau đi bắt chuột. Từng tốp 4 đến 5 anh em, người thì mang thùng, người thì mang tró, người thì cầm vợt kéo nhau ra đồng. Đến nơi, phát hiện hang, người thì đặt tró, người múc nước đổ vào hang, chuột chạy ra nằm gọn trong tró; còn những hang có ngách, chuột phóng ra rơi xuống nước, chậm chạp bơi vào bờ thì dùng vợt có cán dài bắt.
Trong khi đó, trên các cánh đồng Phú Lâm, Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), Hòa Vinh, Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa), nước cũng ngập, nhiều nông dân dùng tró bắt chuột. Ông Phạm Xuân Minh ở phường Phú Lâm kể: Mấy năm qua cả cánh đồng Cầu Sạp (Phú Lâm) rộng lớn, đám ruộng nào cũng bị chuột cắn phá. Đám gần bờ thì chuột ẩn nấp cắn lúa còn thưa thớt, chứ đám ở xa thì chuột cắn phá lúa từng chòm to bằng cái sàng, cái nia…Theo kinh nghiệm nhiều người dân, khi nước lũ đổ về, chuột lớn nhanh chân chạy hoặc bơi thoát vào bờ cao, dễ bao vây đập chết; còn số chuột sinh sống giữa đồng thì sặc nước chết, riêng chuột con, chuột mới đẻ thì chết sạch. Vì vậy năm nào có lụt to thì chuột chết nhiều, lúa ít bị cắn phá, còn năm nào không có lụt thì chuột sinh sản nhanh, ruộng lúa bị phá hại nhiều.
Thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông xuân 2012-2013, chuột cắn phá 340ha lúa, trong đó, huyện Phú Hòa diện tích lúa bị chuột cắn phá nhiều nhất lên đến 109ha, tiếp đến là huyện Đông Hòa 65ha… Các huyện, thị xã, thành phố triển khai 13 mô hình bẫy cây trồng, 14 mô hình sử dụng thuốc sinh học để diệt chuột. Tuy nhiên, do phong trào diệt chuột không đồng bộ nên chuột sinh sản nhanh, di chuyển từ đồng này sang đồng khác, cắn phá nhiều diện tích hoa màu. Riêng vụ hè thu năm 2013 vừa qua, các địa phương đã diệt trên 240.300 con chuột, trong đó phong trào ra quân diệt chuột trong tháng 5 được gần 46.800 con…Theo bà Trần Huệ Hoa Huyền Huyền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, chuột đang là vấn nạn đối với nhà nông. Vì vậy, các địa phương tổ chức diệt chuột xuyên suốt, đồng loạt bằng nhiều biện pháp như đào bắt, bẫy, bả bằng thuốc trừ chuột hóa học và sinh học nhằm hạn chế số chuột trên đồng ruộng.
LÊ TRÂM