Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; trong đó quy định rõ các trường hợp phải áp dụng biện pháp nhận biết khách hàng.
Áp dụng biện pháp nhận biết khách hàng trong phòng, chống rửa tiền. |
Cụ thể, tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp: Khi khách hàng lần đầu mở tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản thẻ và các loại tài khoản khác; khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tài chính cung cấp; khi thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu thông tin về tên, địa chỉ hoặc số tài khoản của người khởi tạo; khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền...
Ngoài ra, khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn (là giao dịch của khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản thanh toán nhưng không giao dịch trong vòng 6 tháng trở lên với tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày) thì tổ chức tài chính cũng phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng.
Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng, casino phải tiến hành các biện pháp nhận biết khách hàng đối với khách hàng có giao dịch tài chính với tổng giá trị từ 60 triệu đồng trở lên trong một ngày.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản và sàn giao dịch bất động sản phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đối với bên mua, bên bán trong hoạt động môi giới mua, bán bất động sản; đối với chủ sở hữu tài sản trong việc cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý và đá quý phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong trường hợp khách hàng có giao dịch bằng tiền mặt mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày.
Thông tin nhận biết khách hàng
Thông tin nhận biết khách hàng là cá nhân người Việt Nam gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại.
Đối với khách hàng là cá nhân người nước ngoài, cần nhận biết qua các thông tin: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở Việt Nam.
Thông tin nhận biết khách hàng là tổ chức gồm: Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; số điện thoại, số fax; lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; thông tin về người thành lập, đại diện cho tổ chức.
Nghị định cũng nêu rõ, đối với khách hàng cá nhân là người không quốc tịch, thông tin nhận dạng bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp, chức vụ; số thị thực; cơ quan cấp thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và ở Việt Nam.
Đối với khách hàng cá nhân là người có từ 2 quốc tịch trở lên, ngoài những thông tin quy định trên, đối tượng báo cáo phải thu thập bổ sung thông tin về các quốc tịch, các địa chỉ đăng ký cư trú tại các quốc gia mang quốc tịch.
Theo chinhphu.vn