Thứ Hai, 30/09/2024 08:21 SA
Tôm nuôi ở Đà Nông chết hàng loạt
Thứ Sáu, 02/03/2007 07:04 SA

Mới bước vào vụ nuôi tôm sú năm 2007 nhưng tôm đã bị chết hàng loạt và lây lan trên diện rộng ở vùng nuôi tôm cửa sông Đà Nông (huyện Đông Hòa). Hàng chục người nuôi tôm ở đây đành bất lực nhìn tôm chết, bỏ ao đìa “phơi đáy”, lỗ trắng tay và nợ ngân hàng hàng tỷ đồng...

 

NGƯỜI NUÔI TÔM TRẮNG TAY

 

Đầu tháng 3, mùa thả tôm đang bắt đầu rộ, nhưng đi qua các vùng nuôi tôm ở Rộc Mương, Cây Da, Đồng Cương, Đồng Gieo, Hòn Nại, Cồn Khô, Gò Đình, Gò Kè, Phước Giang, Ngọn Đồng, bến Lội… thuộc hạ lưu sông Bàn Thạch vẫn im ắng lạ thường. Người nuôi tôm không dám lấy nước vào ao và thả tôm nuôi đồng loạt, bởi sợ ảnh hưởng dịch bệnh lây lan từ các diện tích thả nuôi sớm từ đầu tháng 1/2007. Tại đồng tôm Rộc Mương (xã Hòa Hiệp Nam), chúng tôi chứng kiến trên nhiều ao nuôi tôm bị bệnh chết dạt bờ hàng loạt.

 

070302-dich-tom.jpg
Ô nhiễm môi trường, con giống kém chất lượng, không tuân thủ lịch thời vụ… là những nguyên nhân chính khiến tôm bị bệnh chết hàng loạt ở hạ lưu sông Đà Nông

 

Ông Lương Văn Hùng (ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam) than thở: “Tui đầu tư gần chục triệu đồng cải tạo 4.000m2 ao đìa, thả tôm nuôi được 45 ngày thì tôm “trở chứng” bỏ ăn, nổi đầu và chạy đâm vào bờ chết hết, coi như trắng tay”.

 

Ông Lê Văn Dững, một người nuôi tôm lâu năm đứng chống cuốc trên hồ tôm của mình, bức xúc: “Chỉ mới cách đây vài tuần, tôm nuôi 1 – 1,5 tháng tuổi ở đây còn búng tanh tách trên mặt hồ, nhưng bây giờ đã bị bệnh “rớt” đáy liên tục, không trở tay kịp. Hàng đêm, tôi phải vất vả thức trắng để chăm sóc cho tôm, vậy mà tôm vẫn không thoát khỏi bệnh chết”. Hàng chục hộ nuôi tôm khác cũng vậy đành buông tay xả hồ, lỗ nặng.

 

Hiện dịch bệnh tôm đã bùng phát gây thiệt hại trên 16ha, chiếm khoảng 1/5 diện tích đã thả nuôi ở Đà Nông. Ngoài 6,7ha tôm ở vùng nuôi thuộc xã Hoà Hiệp Nam bị dịch bệnh. Tôm bệnh cũng có chiều hướng lây lan mạnh ở vùng tôm nuôi xã Hòa Tâm. Ông Lưu Phú, cán bộ khuyến ngư  xã Hòa Tâm, cho biết toàn xã chỉ mới thả được 35ha (trong đó có 5ha tôm thẻ chân trắng), nhưng đã có 8,6ha tôm bị bệnh mất trắng, tập trung ở các đồng bến Lội, Phước Giang. Bà con thả nuôi tôm thẻ chân trắng nằm xen lẫn trong đồng nuôi tôm sú cũng bị bệnh. Hộ ông Nguyễn Dũng ở xã Hòa Tâm thả nuôi tôm thẻ trên diện tích 2.500m2 được hai tháng tuổi thì xảy ra dịch bệnh chết, đành phải dùng thuốc dập dịch vào sáng ngày 28/2.

 

VẪN NHỮNG NGUYÊN NHÂN CŨ

 

Theo ông Đỗ Kim Đồng, Phó phòng Kinh tế huyện Đông Hòa, tôm chết hàng loạt vào đầu vụ năm nay là do bà con thả tôm sớm hơn lịch thời vụ từ 1 –2 tháng, lại thả mật độ tương đối dày. Trong khi đó, thời tiết nóng, lạnh bất thường kéo dài, khiến bệnh tôm thân đỏ, đốm trắng và một số loại bệnh khác bùng phát. Sở Thủy sản Phú Yên đã trực tiếp lấy mẫu phân tích bệnh; đồng thời hỗ trợ 400kg Chlorine cho bà con nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam dập dịch. Tuy nhiên, hiện nay bệnh tôm vẫn tiếp tục có dấu hiệu lây lan trên diện rộng.

 

070302-dich-tom3.jpg

Ngư dân kiểm tra tôm ở đồng Rộc Mương – Ảnh: N.L

 

Cũng theo ông Đồng và nhiều kỹ sư thủy sản, vùng nuôi tôm hạ lưu sông Đà Nông ngày càng phát triển mạnh về quy mô diện tích (với hơn 1.000 ha), trong khi đó môi trường nuôi bị phá vỡ, ô nhiễm đến mức báo động. Đặc biệt, hệ thống kênh cấp, kênh thoát dùng chung, nên nguồn nước chứa quá nhiều chất thải mang mầm bệnh. Hơn nữa, trình độ thâm canh, thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm của người dân nơi đây còn yếu và thiếu. Ngoài ra, nhiều người mua gom nguồn giống tôm không kiểm dịch, kém chất lượng và nhiễm bệnh ở nhiều nơi. Người nuôi cũng không có ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, tự ý xả thải bừa bãi ra sông. Mặc dù ngành thủy sản, chính quyền địa phương đã ban hành các quy chế vùng nuôi, lịch thời vụ nuôi tôm ở Đà Nông bắt đầu từ cuối tháng 2 đến tháng 3 dương lịch hàng năm, nhưng bà con không thực hiện. UBND huyện Đông Hòa chưa chỉ đạo kiên quyết việc thực hiện các biện pháp chế tài để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế vùng nuôi, mùa vụ.

 

Dịch bệnh tôm ở Đà Nông xảy ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng cho người nuôi thuộc 3 xã Hòa Xuân Đông, Hòa Hiệp Nam, Hòa Tâm. Hiện nay mới bắt đầu bước vào mùa chính vụ tôm ở đây, nhưng phần lớn ao hồ không thể thả tôm nuôi được nữa. Do vậy, nếu như chính quyền địa phương không tìm ra biện pháp quản lý, xử lý kiên quyết về ô nhiễm môi trường, mùa vụ…, thì vùng nuôi tôm này sẽ có khả năng phải bỏ trắng trong thời gian tới.

 

NGUYÊN LƯU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek