Hơn lúc nào hết, khu gò Máng (phường 5, TP Tuy Hòa) cần được chỉnh trang nhằm tạo bộ mặt khang trang cho trục đường lớn nhất thành phố và mỹ quan cho đô thị Tuy Hòa.
Những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ ở khu gò Máng cần sớm được giải tỏa để đảm bảo mỹ quan đô thị Tuy Hòa – Ảnh: Đ.TRANG
Sau khi đại lộ Hùng Vương hình thành vào cuối năm 2004, chính quyền TP Tuy Hòa đã chỉ đạo các ngành có liên quan lập phương án giải tỏa khu vực gò Máng. Thế nhưng sau rất nhiều lần bàn đi tính lại, phương án giải tỏa vẫn chưa thể lập được. Dường như khu vực gò Máng là một mảnh đất quá “rắn” bởi sự tồn tại của nhiều thành phần xã hội phức tạp. Trong khi đó, UBND phường 5 – đơn vị trực tiếp quản lý lãnh thổ, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong việc ngăn chặn các trường hợp di dân mới đến xây dựng nhà trái phép, nhưng lực bất tòng tâm.
Theo thống kê chưa đầy đủ, khu vực này hiện có 73 hộ dân với khoảng 180 nhân khẩu. Thành phần cư dân rất phức tạp vừa có đối tượng chính sách, quân nhân xuất ngũ, vừa có cả đối tượng hình sự; nhưng phần lớn là những người lao động nghèo từ các huyện Đông Hòa, Tuy An, Sơn Hòa và một số phường ở TP Tuy Hòa đến đây sinh sống. Gò Máng nguyên là một vùng đất dùng để chôn cất người chết, nhưng sau ngày chia tỉnh, nhiều người dân đã chiếm để cất nhà ở, trồng trọt, chăn nuôi. Do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương nên từ vài hộ ban đầu, gò Máng dần hình thành nên một xóm “lều” với cả trăm hộ gia đình. Khi dự án xây dựng đường Hùng Vương được triển khai, hơn một nửa cư dân của khu vực này đã được bố trí tái định cư. Song không ít người trong số ấy, sau khi bán đất sang tay lại quay về nơi cũ tiếp tục chiếm đất, dựng lều, cất nhà để ở. Hiện gò Máng hình thành nên hai khu vực rõ rệt trong cùng một khu đất: phía bắc là nơi quần cư của những hộ lao động nghèo chỉ lo chí thú làm ăn, còn phía nam là nơi tập trung của phần lớn các đối tượng hình sự “có số má”. Đây cũng là nơi “ăn ở” của nhiều gái mại dâm và các đối tượng trộm cắp, cờ bạc chuyên nghiệp.
Nhằm trả lại mỹ quan cho một trục đường lớn và đẹp nhất đô thị Tuy Hòa, chính quyền thành phố đã đề ra quyết tâm giải tỏa cho được khu vực này. Trong năm 2005 và 2006, các cơ quan chức năng của thành phố và cả Thanh tra tỉnh đã tiến hành rà soát lại tất cả các hộ dân đang sinh sống tại đây để có phương án giải quyêt cụ thể. Đến thời điểm này, UBND TP Tuy Hòa đã có quyết định đồng ý cấp đất tái định cư tại phường 9 cho 8 hộ dân đã sinh sống ở gò Máng từ năm 1998 với điều kiện các hộ này phải cam kết tháo dỡ nhà cửa. Thế nhưng hiện mới chỉ có hộ ông Nguyễn Văn Hiền di dời, các trường hợp còn lại thì có dấu hiệu bán đất sang tay hoặc không chịu nhận. Ngoài ra, UBND TP Tuy Hòa cũng đồng ý giao đất tái định cư cho 4 hộ dân khác gồm Lê Tấn Phương, Dương Công Liêm, Nguyễn Thị Hoa, Hồ Phúc nhưng đến nay các hộ này vẫn chưa chịu hoàn tất các thủ tục để được nhận quyết định giao đất. Đối với các trường hợp không hội đủ điều kiện theo qui định của pháp luật còn lại, UBND TP Tuy Hòa kiên quyết thực hiện việc di dời, tháo dỡ nhà cửa. Hiện 16 trường hợp ở những địa phương khác có nhà ở khu gò Máng nhưng không ở mà cho người khác thuê hoặc vắng chủ đã được UBND phường 5 niêm yết thông báo yêu cầu chủ nhân tháo dỡ, quay về nơi ở cũ.
Chủ tịch UBND phường 5 Trần Ngọc Hùng nói rằng, mong muốn của Đảng bộ và chính quyền địa phương là sớm giải tỏa khu vực gò Máng. Đó cũng là quyết tâm của chính quyền TP Tuy Hòa. Thế nhưng công tác cưỡng chế quả là điều không đơn giản bởi số lượng các hộ dân đang sinh sống tại đây tương đối đông và tập trung nhiều đối tượng xã hội phức tạp. Song nếu không thực hiện sớm và kiên quyết thì không biết đến lúc nào một khu vực mất mỹ quan như gò Máng mới được giải tỏa. Tuy vậy việc cưỡng chế cần được thực hiện vào thời điểm thích hợp, cần được bàn bạc tính toán kỹ lưỡng và có thể cần đến sự phối hợp của các lực lượng của tỉnh.
QUỐC HOÀI