Mục tiêu của Chương trình phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) không nung đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt là thay thế 30 đến 40% gạch đất sét nung với yêu cầu bắt buộc các công trình nhà từ 9 tầng trở lên phải sử dụng VLXD không nung. Đây chính là động lực khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi sản xuất loại vật liệu này. Tuy nhiên, để tăng thị phần tiêu thụ, việc thay đổi thói quen tiêu dùng chính là một mấu chốt quan trọng.
Sản xuất gạch không nung ở Công ty TNHH Bích Hợp (Điểm công nghiệp Hòa An, Phú Hòa) - Ảnh: N.TRƯỜNG
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Tại các nước phát triển, ngành công nghiệp này từ lâu đã chiếm trên 70% sản lượng VLXD sản xuất hàng năm. Còn lại gần 30% vật liệu nung chủ yếu dùng cho mục đích trang trí và đó nhất định phải là những sản phẩm thực sự cao cấp. Trong khi đó, ở Việt Nam, vật liệu nung đang chiếm tới 90%, thị phần ít ỏi 10% còn lại dành cho VLXD không nung. Chênh lệch khoảng cách này quá lớn và để xóa bỏ sự cách biệt này cần sự nỗ lực từ nhiều phía.
Một trong những nguyên nhân khiến VLXD không nung chịu “lép vế” là do tiêu chuẩn sản phẩm, quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc và đơn giá xây dựng các loại vật liệu mới này chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ. Bởi vậy, các kiến trúc sư và cả đội ngũ tư vấn thiết kế xây dựng khó chỉ định thiết kế xây dựng loại gạch này cho công trình. Do đó, hầu hết các công trình sử dụng gạch không nung hiện nay đều do các nhà thiết kế nước ngoài tư vấn và chủ đầu tư nước ngoài yêu cầu.
Về phía người dân, việc sử dụng loại vật liệu này là những khái niệm hoàn toàn mới mẻ bởi trong tâm thức của họ chỉ biết đến loại gạch đỏ truyền thống. Trong khi công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả như mong muốn thì vật liệu nung vẫn tiếp tục phát triển tràn lan. Mặc dù gạch nung xâm hại tới môi trường nhưng vì giá thành rẻ nên vẫn hấp dẫn người tiêu dùng. Không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng thừa nhận về thói quen sử dụng vật liệu nung truyền thống, đồng thời chỉ ra sự chênh lệch về giá khiến người tiêu dùng không mấy “mặn mà” với dòng sản phẩm không nung.
Trước những băn khoăn về yếu tố giá liệu có phải là rào cản lớn trong cuộc đua song mã giữa VLXD không nung và gạch xây truyền thống, Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam chia sẻ: Vài năm trước, một số doanh nghiệp đã nhập gạch bê tông khí về bán và nhận thấy thị trường trong nước có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, hiện nay, việc sử dụng VLXD không nung vẫn còn khá hạn chế là do lâu nay, dân ta vốn quen sử dụng gạch đất sét nung cỡ nhỏ, khi sử dụng gạch kích thước lớn với quy trình xây dựng yêu cầu chặt chẽ hơn khiến nhiều thợ e ngại vì đòi hỏi tay nghề phải thật chuẩn xác. Hiện giá thành VLXD không nung còn đắt hơn vật liệu nung nên người dân và các chủ đầu tư khó chấp nhận.
Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ lưỡng theo mét vuông tường xây thì có thể giá thành không chênh lệch là bao, do vữa xây, vữa trát ít hơn mà tốc độ xây nhanh hơn… VLXD không nung có độ bền vững cao, chất liệu nhẹ giúp giảm tải trọng của công trình, lại đẩy nhanh được tiến độ thi công và tiết kiệm vật liệu làm móng cũng như khung chịu lực. Xét về hiệu quả kinh tế, khối lượng một viên gạch không nung nhẹ gấp từ 6 đến 8, thậm chí 10 lần viên gạch thủ công, nên việc xây dựng rất nhanh mà tải trọng công trình lại nhẹ, sẽ giúp giảm chi phí đáng kể. Mặt khác, vật liệu mới ra đời sẽ từng bước xóa bỏ cách sản xuất gạch thủ công đang thu hẹp hàng ngàn hecta đất mỗi năm và gây hư hại hoa màu. Phát triển VLXD không nung là vấn đề có tính chiến lược của cả ngành vật liệu góp phần phát triển công nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, Tiến sĩ Huynh khẳng định.
Hiện nay, thị trường trong nước có nhiều loại VLXD không nung như: gạch block bê tông (tận dụng đá mạt, đất đồi, cát, kết hợp với xi măng đúc thành viên); gạch bê tông khí, gạch bê tông bọt, đá chẻ… Lợi ích của công nghệ này đã rõ nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp và cả địa phương chưa đánh giá đúng ý nghĩa của công nghệ mới, nên sản lượng VLXD không nung cung cấp cho thị trường còn khiêm tốn. Toàn quốc hiện có 800 cơ sở sản xuất VLXD không nung với tổng công suất đạt khoảng 1.600 triệu viên/năm. Trong đó, chỉ có 31 dây chuyền công suất vừa và lớn, đạt sản lượng 552 triệu viên/năm; số còn lại là các dây chuyền nhỏ và quy mô hộ gia đình đầu tư.
Phát triển VLXD không nung đang là xu thế chung của thế giới. Đưa công nghệ này vào cuộc sống là hoàn toàn phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa. Mục tiêu của chương trình này là giảm thiểu những tác hại về môi trường, tiết kiệm quỹ đất tự nhiên (kể cả đất sản xuất nông nghiệp), nhưng quan trọng hơn là công nghệ sản xuất gạch ngói không nung sẽ tận dụng được các chất phế thải đổ ra môi trường, như: xỉ than của nhà máy nhiệt điện, phế thải của ngành luyện kim, khai khoáng…
THU HẰNG (TTXVN)