Trong số các ngành sản xuất công nghiệp của Phú Yên, ngành may công nghiệp đang phát triển ổn định và có nhu cầu sử dụng lao động ngày càng cao.
Lao động được hướng dẫn kỹ thuật may tại Công ty cổ phần An Hưng - Ảnh: K.ANH
Những năm qua, tốc độ phát triển ngành may công nghiệp của tỉnh khá nhanh do nhiều doanh nghiệp may ra đời. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên cho biết: “Với việc đầu tư 1 xưởng may công nghiệp bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp đã cố gắng ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu các đơn đặt hàng hiện có. Vừa qua, doanh nghiệp đầu tư thêm nhiều thiết bị, máy móc để hoàn thiện các dây chuyền sản xuất. Hiện, chúng tôi có 10 chuyền may, song để thực hiện tốt các công đoạn thì phải cần thêm nhiều lao động. Do đó, chúng tôi đã tuyển dụng thêm 100 lao động trong năm 2013. Nếu việc kinh doanh tiến triển, doanh nghiệp còn cần thêm nhiều lao động nữa”.
Xuất phát từ việc kinh doanh ổn định và ngày càng tăng số lượng đơn đặt hàng…, một số doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng quy mô nhà xưởng. Chính vì thế, nguồn lao động cũng được bổ sung. Ông Nguyễn Xuân Khương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần An Hưng cho biết: Tổng doanh thu 8 tháng qua của công ty đạt 104 tỉ đồng, tăng 34%; sản lượng đạt trên 2,4 triệu sản phẩm các loại, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, công ty có gần 1.400 lao động đang làm việc tại 2 xí nghiệp may và 1 phân xưởng. Năm nay, đơn vị đã đầu tư xây dựng thêm xí nghiệp may An Phát (Tây Hòa) với tổng vốn 80 tỉ đồng. Dự kiến, xí nghiệp sẽ hoạt động vào đầu năm 2014, thu hút trên 1.000 lao động. Từ đầu năm đến nay, công ty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đào tạo cho 800 lao động địa phương; đồng thời mở 1 lớp học chuyên nghiệp dành cho 52 học viên phụ trách quản lý tại các xí nghiệp nhằm hoàn thiện nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu ngành may xuất khẩu. Ngoài số lượng lao động đang được đào tạo, làm việc tại các nhà xưởng, công ty sẽ tiếp tục tuyển dụng lao động trong thời gian tới.
Theo Sở Công thương, mặc dù khó khăn về lao động nhưng các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu đã tăng cường tuyển dụng, đào tạo bổ sung lao động và cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Ngay từ đầu năm 2013, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các đơn hàng đã ký kết và phát huy hết năng lực sản xuất. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường khu vực Đông Nam Á. Riêng trong tháng 8/2013, sản phẩm may công nghiệp tăng 13,6%; lũy kế 8 tháng là trên 4 triệu sản phẩm, đạt 67,6% kế hoạch, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực như nhân hạt điều, hải sản, kính pano xây dựng... giảm mạnh thì mặt hàng may mặc tăng gấp 3,2 lần so với những năm trước đây. Nguyên nhân do các doanh nghiệp đã chuyển mạnh từ may gia công sang may hoàn chỉnh nên giá trị tăng và một số doanh nghiệp đã có thêm nhiều đơn đặt hàng mới.
Thực tế, sản phẩm may mặc trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ cho việc xuất khẩu sang thị trường các nước. Trong tình hình cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp trong tỉnh phải chủ động cải tiến quy trình sản xuất, chú trọng tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm để có sự tăng trưởng ổn định. Ông Võ Ngọc, Phó trưởng phòng Kinh tế TP Tuy Hòa cho biết: Trong những năm gần đây, ngành may công nghiệp có hướng phát triển mạnh đã giải quyết được một lượng lớn lao động nông nhàn. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Địa phương khuyến khích việc xuất khẩu và luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp may có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, mặt bằng sản xuất… Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần quan tâm đến quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Vì nguồn lao động của các cơ sở phần lớn là lao động phổ thông, thiếu tính chuyên nghiệp nên cần được đào tạo bài bản hơn.
KHANG ANH