Qua 5 năm (2008-2013) thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề án phát triển và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 của tỉnh, tổng vốn đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lên đến 24.000 tỉ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với giai đoạn từ 2004-2008. Qua đó hình thành các vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, trên 47.000ha lúa (2 vụ), 23.400ha mía… Đây là những cây trồng chủ lực, từ đó nông dân đã tích cực đầu tư phát triển sản xuất để tăng thu nhập. Đối với miền núi, lĩnh vực trồng trọt đã áp dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa ngày càng mở rộng, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên.
Cánh đồng lúa nước thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ (Đồng Xuân) - Ảnh: H.NAM
Phóng viên Báo Phú Yên tìm đến những vùng sâu, vùng xa ghi lại hình ảnh làm lúa nước của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chương trình Khuyến nông @ nông nghiệp (mở rộng, chuyển giao cho nông dân tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng sản xuất nông nghiệp)… lên vùng núi.
Bài 1: Vào rừng trồng lúa nước
Đỉnh núi La Hiên ở xã vùng cao Phú Mỡ (Đồng Xuân) cao 1.318m so với mặt nước biển, dưới chân núi là các cánh đồng lúa nước Phú Tiến, Phú Giang xanh mượt viền theo bìa rừng. Đi sâu vào khu ruộng Chín Bếp những thửa ruộng vuông vức nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi cao, rừng rậm.
DƯỚI CHÂN DỐC RUỘNG
Sáng sớm, sau khi chuẩn bị bữa ăn sáng, thay quần áo cho đứa con gái đầu lòng học lớp 1 đến trường xong, chị La Lang Thị Xinh ở thôn Phú Giang đội nón ra đồng chăm sóc lúa. Với tay bứt cọng cỏ chỉ thòng ra bờ ruộng, chị Xinh khoe: “Ruộng nhà tôi sạ giống lúa ngắn ngày ML49 đã 30 ngày, bón phân đợt 2 rồi. Áp dụng bón phân NPK cân đối nên lúa phát triển tốt, không thua gì lúa trồng ở vùng đồng bằng”.
Sở dĩ chị Xinh nói vậy là vì chị đã nhiều lần vào TP Tuy Hòa thăm đứa em đang học Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, trên đường đi ngang qua cánh đồng thị trấn Chí Thạnh, chị để ý, so sánh ruộng lúa ở vùng đồng bằng với ruộng lúa trên vùng núi cao. Vì áp dụng chung lịch thời vụ của tỉnh, các quy trình kỹ thuật chăm sóc nên cây lúa hơn tháng tuổi lá vươn dài xanh mượt, cao phả bờ ruộng. Đúng như lời chị Xinh nói, đứng trước con đường cạnh UBND xã Phú Mỡ nhìn ra cánh đồng Làng Bè (Phú Giang) một màu xanh của lúa thời con gái trải dài khép kín từ trước sân UBND xã đến xóm nhà.
Thong dong qua cánh đồng lúa làng Hội (Phú Giang), cánh đồng ruộng lúa nước chạy viền theo xóm nhà. Một điều lạ lẫm hiện lên trước mắt là nơi vùng cao này có đồng bào dân tộc thiểu số Chăm H’roi, Ba Na sinh sống, khi bước chân ra khỏi nhà là “đụng” bờ ruộng. Ông La Lang Tưng ở làng Hội cho hay, ông có 2 sào ruộng, 1 năm sản xuất 2 vụ. Từ vụ hè thu “gối đầu” qua vụ đông xuân thì trong nhà còn bồ lúa cũ, còn từ vụ đông xuân chờ qua vụ hè thu vì mùa mưa cánh đồng bỏ hoang một thời gian nên lúa đủ ăn giáp hạt.
Dốc Ruộng ngăn cách cánh đồng thôn Phú Giang, Phú Tiến. Nhiều người ở xa đến đây ngỡ ngàng vì Dốc Ruộng cao uốn khúc, quanh co cánh chỏ giống như một đoạn đèo Cả. Xuôi về bên kia Dốc Ruộng là cánh đồng Phú Tiến 1, Phú Tiến 2, Phú Tiến 3. Ba cánh đồng này hưởng nước tự chảy đập dâng Cây Vừng. Cánh đồng lúa nước Phú Tiến dưới chân Dốc Ruộng trải dài đến dốc Đá Mài. Chị La Lang Thị Sởi ở thôn Phú Tiến 2 đang cấy dặm ruộng lúa cho hay: Ở đây cấy dặm không phải cúi mặt sát đất như trước nữa mà dùng cây ba chia đứng với tay móc mạ từ chỗ dày cấy xuống chỗ thưa, rất nhanh gọn.
VÀO RUỘNG CHÍN BẾP
Từ trung tâm xã Phú Mỡ vào hơn 10 cây số đường rừng là đến ruộng Chín Bếp. Ruộng ở đây lúc nào nước cũng ngấp nghé tràn bờ. Cạnh bờ ruộng, dọc theo Suối Mun những ngôi nhà sàn lợp tranh, là nơi người dân vào làm ruộng ngủ lại qua đêm để canh đuổi thú rừng thời kỳ lúa chín. Ma Hay ở thôn Phú Tiến 3 vào đây làm ruộng, chiều muộn ông vẫn gắng ngồi cắt cỏ bờ ruộng để chuột khỏi ẩn nấp, cắn phá lúa. Nhóm bếp lửa nghi ngút khói ngồi sưởi ấm xua tan cái lạnh của núi rừng, Ma Hay nói: “Làm ruộng ở đây không bón phân vì hứng nước Suối Mun, con suối này chảy qua hàng ngàn hécta rừng phòng hộ đầu nguồn Hà Đan đổ về quanh năm suốt tháng, khi mưa lớn đổ xuống, phù sa từ lá cây mục của rừng già lắng đọng lại bồi đắp cho ruộng lúa. Vì vậy năm nào cũng được mùa, gié lúa dài hơn gang tay người lớn”. Trước đây khi chưa tiếp cận cách trồng lúa nước, ruộng Chín Bếp trồng bắp, khi bắp vừa ra trái non thì bầy két hàng trăm con bay về cắn phá, cả khu ruộng năm nào cũng “mất mùa riêng”.
Ma Sữa ở thôn Phú Tiến 3 làm ruộng ở đây nhớ lại: “Nếu không làm lúa nước mà phát rẫy trỉa lúa như trước đây thì phải bỏ công phát rẫy gần cả tháng trời và như vậy phải đốt cỡ 2.000m2 rừng. Không chỉ mình tôi mà hàng trăm hộ dân khác ròng rã mấy năm trời phát rẫy thì rừng ở đây đã gần như trụi hết”.
Ông So Bếp, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho hay: “Nhân dân ở các thôn Phú Giang, Phú Lợi, Phú Tiến 1, Phú Tiến 2, Phú Tiến 3 đều có ruộng lúa nước 2 vụ với diện tích hơn 80ha. Từ khi Đảng, Nhà nước đầu tư đắp đập dâng Cây Vừng và trạm bơm điện Phú Giang, Phú Lợi, cán bộ huyện về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa nên bà con đã có kiến thức làm lúa nước, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha/vụ”.
Tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 19/2013 vừa tổ chức tại Phú Yên, thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho hay: Trong thời gian đến, ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên cần tăng cường công tác khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao cho nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học mới về quy trình canh tác, sản xuất lúa. Chú trọng đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch; từ đó giảm thiểu sự suy thoái về đất đai, tiết kiệm nguồn nước. Giải pháp trước mắt là tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi, xây dựng công trình thủy lợi nội đồng kết hợp với kiến thiết đồng ruộng.
Bài 2: Mùa gặt ở Khẩu Kà Boong
MẠNH HOÀI NAM