Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, Bộ NN-PTNT đề xuất thay đổi một số hạng mục máy móc, thiết bị được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 100% lãi suất trong 2 năm đầu, năm thứ 3 hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy móc, thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Một số loại máy có ý nghĩa tích cực trong việc giảm tổn thất sau thu hoạch
Bộ NN-PTNT cho biết, Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản qua hơn 2 năm thực hiện đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của sản xuất nông nghiệp, nhận được sự đồng tình cao của bà con nông dân cả nước. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện quyết định trên cho thấy: các chủng loại máy móc, thiết bị có giá trị chế tạo trong nước 60% trở lên, nếu đáp ứng được yêu cầu sản xuất vẫn được nông dân tin tưởng đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết trong số này là những loại máy móc đơn giản.
Một số loại máy có ý nghĩa tích cực trong việc giảm tổn thất sau thu hoạch (như máy gặt đập liên hợp, máy cấy, máy kéo công suất lớn, các loại thiết bị bảo quản sau thu hoạch…) ngành cơ khí trong nước vẫn chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư một số chủng loại máy móc nhập khẩu để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cụ thể, theo đề xuất của Bộ NN-PTNT, danh mục máy móc, thiết bị được vay vốn và hỗ trợ lãi suất bao gồm: Các loại máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy móc, thiết bị sản xuất muối sạch; máy móc, thiết bị tưới nước tiết kiệm dùng trong ngành trồng trọt; dùng cho sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch thủy sản; các thiết bị dò cá, thiết bị thu, thả lưới câu, thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá; thiết bị cấp đông, hầm (buồng) cấp đông, thiết bị sản xuất nước đá làm lạnh, thiết bị lọc nước biển làm nước ngọt, thùng (hầm ) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh sử dụng trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ; máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm từ phế và phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản; các loại máy kéo, động cơ diezel sử dụng trong nông nghiệp có công suất từ 30 mã lực trở lên; động cơ diezel trong khai thác thủy sản xa bờ có công suất từ 150 mã lực trở lên.
Dự thảo quy định các loại máy móc, thiết bị trên phải bảo đảm có nhãn hàng hóa theo quy định. Đối với máy móc, thiết bị ngoại nhập phải là máy mới, chưa qua sử dụng, có đầy đủ hồ sơ nhập khẩu hợp lệ, xuất xứ rõ ràng và được công bố giá bán theo từng thời điểm. Còn đối với máy móc, thiết bị của nước ngoài lắp ráp tại Việt
Hỗ trợ lãi suất chênh lệch
Quyết định 65/2011/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 63/2010/QĐ-TTg đã quy định áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư phát triển đối với các dự án đầu tư xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản (bao gồm cả kho lạnh trên tàu đánh bắt thủy sản), rau quả, kho tạm trữ cà phê và các dự án đầu tư chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Tuy nhiên, theo Bộ NN-PTNT, một số hạng mục được hỗ trợ tại Quyết định 63/2010/QĐ-TTg cần được rà soát, điều chỉnh loại bỏ hoặc bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, không nên khuyến khích đầu tư các hạng mục kho chứa cà phê (đã đủ) và xây 4 triệu tấn kho dự trữ lúa gạo. Đến nay, các doanh nghiệp đầu tư quá nhiều kho chứa gạo. Mặt khác, Bộ NN-PTNT cũng cho rằng cần xem xét bổ sung cơ chế hỗ trợ diêm dân sản xuất muối sạch, hạn chế tổn thất, nâng cao giá trị muối thương phẩm từ 15 - 20%.
Vì vậy, bộ đề xuất hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước phần lãi suất chênh lệch giữa lãi suất thương mại và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam để thực hiện các dự án nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng đối với nông sản, thủy sản (bao gồm cả thiết bị trong nước và nhập khẩu); các dự án chế tạo máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
Các hạng mục thuộc dự án được hỗ trợ bao gồm: Kho silô dự trữ lúa, ngô; hệ thống sấy nông sản; dây chuyền máy móc, thiết bị xay xát, đánh bóng, phân loại gạo; hệ thống nhà kính, nhà lưới, máy móc, thiết bị bảo quản, chế biến rau, hoa, quả; dây chuyền máy móc, thiết bị bảo quản, chế biến thủy sản; dây chuyền máy móc, thiết bị chế biến cà phê, chè, nhân điều, hồ tiêu; muối và các dự án chế tạo máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
Theo VOV