UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng KH-CN cao, giá trị gia tăng cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế phát triển theo chiều sâu, hiệu quả cao và bền vững; phấn đấu đến năm 2017, kinh tế Phú Yên đạt trên mức trung bình cả nước.
Công ty cổ phần PYMEPHARCO ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế - Ảnh: N.TRƯỜNG
ĐẨY MẠNH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ
Về Chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, trong dài hạn, cơ cấu kinh tế Phú Yên vẫn là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, nhưng hàm lượng KH-CN trong sản phẩm ngày càng tăng lên. Từng bước nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp chế biến, sản xuất điện nước, khí đốt, môi trường. Các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh là lọc dầu, hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, chế biến nông - lâm - thủy sản, nhất là công nghiệp mía đường.
Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó chú trọng đến mạng lưới giao thông, hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải, nước thải ở các đô thị và các khu công nghiệp. Đầu tư hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp, đồng thời phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa với ngành nghề đa dạng, nhất là ở nông thôn. Đẩy nhanh việc khôi phục và phát triển một số làng nghề truyền thống, làng nghề mới gắn với việc du nhập, nhân rộng làng nghề phù hợp với điều kiện địa phương.
Phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất và nâng cao chất lượng sống của người dân, như: Dịch vụ cảng, dịch vụ nghề cá, vận tải biển, logistics lớn, thương mại, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch và dịch vụ công nghệ thông tin. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải biển và vận chuyển khách du lịch, dịch vụ đào tạo; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tàu lớn, doanh nghiệp logistics.
Cơ cấu ngành nông nghiệp được điều chỉnh theo hướng tăng tỉ trọng chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, dịch vụ nông nghiệp, nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp với du lịch sinh thái và phát triển làng nghề truyền thống phục vụ du lịch thân thiện với môi trường. Phát triển các lĩnh vực kinh tế thủy sản có trọng tâm, hợp lý, bền vững, hiệu quả với cơ cấu sản phẩm đa dạng, ưu tiên các lĩnh vực nhiều lợi thế để thực sự trở thành trung tâm sản xuất giống, thức ăn, KH-CN, chế biến, xuất khẩu thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Các lĩnh vực trọng điểm trong nông nghiệp là mía, cao su, bò vàng, cá ngừ đại dương, tôm hùm, một số sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Đối với cây lúa phải đảm bảo tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và an ninh lương thực. Triển khai dự án Nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên, đây là nhiệm vụ trọng tâm, là cú hích để tỉnh tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành Nông nghiệp.
Tiếp tục đổi mới, điều chỉnh, bổ sung cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển, thu hút các doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế đầu tư vào địa phương. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là thành phần kinh tế quan trọng, có tiềm năng thực hiện những dự án lớn, tạo đột biến cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh trong giai đoạn đến năm 2020.
Về chuyển dịch cơ cấu theo vùng lãnh thổ, Phú Yên xác định vùng ven biển là vùng động lực tạo đột phá cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bước đầu hình thành vùng kinh tế động lực ven biển, phát triển kinh tế biển với các hoạt động chủ yếu bao gồm: vận tải biển và dịch vụ cảng biển, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, du lịch biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế... Đây sẽ là động lực chính để kéo các vùng khác của tỉnh cùng phát triển, là địa bàn quan trọng để thu hút đầu tư và liên kết vùng với các tỉnh lân cận. Đẩy mạnh hợp tác để hình thành các vùng kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, Bắc Phú Yên - Nam Bình Định....
TẬP TRUNG 4 GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ
Tỉnh Phú Yên xác định 4 giải pháp để thực hiện chiến lược đó là:
Thứ nhất, tập trung khai thác thế mạnh của cảng Bãi Gốc, cảng Vũng Rô, phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên thành động lực phát triển của tỉnh. Vận động đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên; tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn để triển khai đúng tiến độ xây dựng nhà máy lọc hóa dầu, phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất. Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực để xây dựng khu dịch vụ cao cấp, coi đây là giải pháp đột phá lớn của tỉnh.
Thứ hai, đầu tư có trọng điểm gắn liền với thực thi các chính sách để phát triển KH-CN; xây dựng và thu hút nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu phát triển đột phá của tỉnh. Tập trung đầu tư Trường đại học Phú Yên; đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất Trường cao đẳng Nghề, Trường cao đẳng Y tế; hỗ trợ Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa phát triển thành Trường đại học Công thương Miền Trung, hỗ trợ phát triển Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư các cơ sở đào tạo, các cơ sở dạy nghề chất lượng cao tại tỉnh, đưa Phú Yên trở thành trung tâm đào tạo và dạy nghề của khu vực và cả nước.
Thứ ba, chăm lo đầu tư nông nghiệp, nông thôn, tập trung xây dựng hoàn thành chương trình nông thôn mới. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả Khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao Hòa Quang.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nhằm thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư. Kêu gọi các nhà đầu tư có gốc Phú Yên và các nhà đầu tư trong nước về đầu tư tại địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP, trước hết chọn một số công trình hạ tầng trọng điểm để thực hiện trên địa bàn; xây dựng đề án dùng quỹ đất để tạo vốn phát triển hạ tầng trên địa bàn các khu kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 12,5 đến 13%/năm; trong đó giá trị gia tăng ngành nông - lâm - thủy sản từ 4 đến 4,5%/năm, ngành công nghiệp - xây dựng 15 đến 15,5%/năm, ngành dịch vụ 13 đến 13,5%/năm. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 16 đến 17%/năm.
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GDP đến năm 2015: nông - lâm - thủy sản chiếm 19 đến 19,5%, công nghiệp - xây dựng 40 đến 41,5%, dịch vụ 39 đến 40%. Đến năm 2020, ngành nông - lâm - thủy sản khoảng 10 đến 10,5%, công nghiệp - xây dựng 48 đến 48,5%, dịch vụ 41 đến 41,5%.
GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt khoảng 36 đến 37 triệu đồng và đạt khoảng 70 đến 75 triệu đồng vào năm 2020.
Đến năm 2015, xây dựng 25% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; đến năm 2020, xây dựng 60% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và đến năm 2030, cơ bản xây dựng hoàn thành 100% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
(PYP)