Chủ Nhật, 06/10/2024 05:45 SA
Xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại:
Còn lắm gian nan
Thứ Sáu, 13/09/2013 07:50 SA

Hơn 1 năm qua, mặc dù các tổ chức tín dụng ở Phú Yên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nhưng một số doanh nghiệp vẫn chưa có khả năng trả nợ. Hiện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang tập trung xử lý nợ xấu để thu hồi vốn.

 

dieu130913.jpg

Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, các doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả sẽ được ngân hàng tiếp tục cung ứng vốn - Ảnh: L.HẢO

CHIA SẺ KHÓ KHĂN VỚI KHÁCH HÀNG

 

Theo đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Phú Yên, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nếu khách hàng thực sự gặp khó khăn do điều kiện khách quan, ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, tiếp tục tài trợ vốn khi khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả khi. Nếu không, ngân hàng phải xử lý nợ để thu hồi vốn. Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Phú Yên cho hay: Đối với những khách hàng gặp khó khăn nhưng chịu hợp tác để xử lý nợ thì ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho vay mới. Đối với những trường hợp có dấu hiệu chây ì, lừa đảo thì ngân hàng phải đưa ra khởi kiện nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ. Thời gian qua, VietinBank Phú Yên đã chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng, trong đó tăng cường việc phân loại nợ, trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro. Ngân hàng đã tái cấu trúc tài chính cho khách hàng, cơ cấu lại nợ trên cơ sở nguồn thu đảm bảo và phương án trả nợ khả thi. VietinBank Phú Yên còn làm cầu nối cho người mua của khách hàng có dư nợ vay để thanh toán các khoản nợ phải thu; cho các doanh nghiệp, cá nhân có năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng khai thác tốt hơn vay vốn để mua lại các dự án, tài sản cố định của khách hàng đang khó khăn; kết nối khách hàng để tìm nhà cung cấp đầu vào hoặc nhà tiêu thụ đầu ra... Ngoài ra, ngân hàng còn giám sát nợ xấu một cách có hiệu quả thông qua hoạt động phân tích, phân loại nợ xấu theo định kỳ, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ trực tiếp và tiếp tục khai thác, xử lý các khoản nợ có tài sản đảm bảo.

 

Hiện các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp. Một số ngân hàng còn phối hợp với khách hàng tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho, tiếp tục sản xuất, kinh doanh, đem lại nguồn thu để trả nợ.

 

hat-dieu130913.jpg

Các doanh nghiệp ngành điều đã được ngân hàng cơ cấu lại nợ vay, tiếp tục sản xuất - Ảnh: N.TRƯỜNG

CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA CÁC CẤP, NGÀNH

 

Hơn 1 năm qua, mặc dù các ngân hàng thương mại đã tích cực xử lý nợ để khơi thông dòng chảy tín dụng nhưng thực tế, số nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao, hiện chiếm đến 4,4% tổng dư nợ của tỉnh. Theo ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên, do tình hình kinh tế còn khó khăn, “sức khỏe” doanh nghiệp chưa phục hồi nên dự kiến nợ xấu đến cuối năm nay sẽ có khả năng tăng thêm. Ông Mẫn cho biết: Hiện nợ xấu tại Agribank Phú Yên còn cao là do ngân hàng cho các công ty xây dựng vay vốn để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nhưng khi công trình hoàn thành, chủ đầu tư chưa thanh toán dẫn đến khách hàng chậm trả nợ. Riêng việc cho vay nông nghiệp nông thôn, các ban, ngành, địa phương ít quan tâm hỗ trợ ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay nên công tác giải quyết nợ xấu của đơn vị còn rất gian nan. Theo ông Nguyễn Nhất Tuấn, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á chi nhánh Phú Yên, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ xấu là do khách hàng kinh doanh khó khăn, dẫn đến trả nợ ngân hàng không đúng thời hạn trên hợp đồng vay. Đối với các khách hàng không còn khả năng trả nợ nhưng có thái độ hợp tác, cùng ngân hàng bán tài sản thế chấp thì việc xử lý nợ rất nhẹ nhàng. Ngược lại, nhiều trường hợp ngân hàng phải khởi kiện ra tòa rồi liên tục theo đuổi vụ kiện suốt 3, 4 năm ròng, tốn rất nhiều thời gian và chi phí mới giải quyết được.

 

Ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết: Nhiệm vụ cấp thiết nhất hiện nay của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh là tập trung xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ lại gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, phần lớn tài sản đảm bảo đều là bất động sản; trong khi đó thanh khoản thị trường này đang ở mức thấp, thủ tục, quy trình, quy định để xử lý tốn rất nhiều thời gian. Các doanh nghiệp đầu tư thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản, xây dựng giao thông, chế biến nhân hạt điều, nuôi trồng và chế biến hải sản xuất khẩu… đang gặp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xử lý nợ. Theo ông Hàn, nếu các ngân hàng không tích cực cơ cấu nợ cho doanh nghiệp thì nợ xấu trên địa bàn tỉnh có thể lên đến trên 10% tổng dư nợ. Khoản nợ được cơ cấu đang trở thành “nợ treo”, có thể chuyển thành “xấu” bất cứ lúc nào, đòi hỏi sự nỗ lực của cả ngân hàng, doanh nghiệp và các cấp, ngành cùng chung tay giải quyết.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, đến cuối tháng 8/2013, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại nợ cho 3.476 khách hàng với tổng số nợ gốc là 703 tỉ đồng và nợ lãi là 55 tỉ đồng; trong đó, cơ cấu lại nợ vay cho các doanh nghiệp ngành điều với tổng dư nợ là 175 tỉ đồng. Ngoài ra các tổ chức tín dụng còn thực hiện giảm lãi, cho vay mới với lãi suất ưu đãi để chia sẻ khó khăn với khách hàng.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek