Đang vào vụ thu hoạch sắn, nhiều thương lái đi mua thân cây sắn không rõ lý do khiến nhiều nông dân đổ xô chặt cây sắn để bán. Nhiều người lo ngại, cây sắn “ăn” mạnh, nguy cơ không có giống để trồng tái vụ và làm tăng nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh.
Nhiều nông dân ở huyện Đồng Xuân chặt cây sắn chất lên xe tải chở về bán - Ảnh: L.TRÂM
Hiện giá mỗi bó sắn 20 cây được các thương lái mua với giá 3.500 đồng. Thấy cây sắn có giá, nhiều nông dân ở các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) đổ xô chặt cây sắn về bán. Tại các ngã ba, ngã tư đường, cây sắn giống được tập kết đủ các kích cỡ chờ xe chở đi tiêu thụ. Bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Xuân Quang 3 đang vác bó sắn cây chất đống bên vệ đường, chờ xe tải đến chở, cho biết: “Tôi vừa thu hoạch đám sắn, riêng tiền chặt cây bán cũng gần 500.000 đồng. Không riêng gì gia đình tôi, mấy ngày qua nhiều người ở đây cũng đổ xô đi chặt sắn về bán”. Còn ông Trương Văn Bắc ở xã Xuân Sơn Bắc cho hay, gia đình tôi có đám sắn gần sông Kỳ Lộ. Sau 2 ngày thu hoạch, tôi đến đám sắn để dọn cây chất lên bờ thì không thấy cây đâu mà chỉ thấy ngổn ngang đọt và lá sắn. Sắp tới tôi phải đi “mót” cây sắn quanh vùng về trồng vụ sau”.
Thấy thương lái lùng sục hỏi mua cây sắn, bà Trần Thị Tình ở thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định (Sơn Hòa) lo lắng: “Năm ngoái, sau khi thu hoạch sắn tôi bỏ công vác cây chất đống dưới gốc mít sau nhà che mát để làm giống. Sau đó ngày nào vợ chồng tôi cũng đi làm nên không để ý đến đống sắn, đến khi trồng thì đống sắn bị bọn trộm vác hết. Bây giờ nghe nói cây sắn “ăn” mạnh là tôi sợ đến vụ sau không còn cây sắn để trồng”. Thấy cây sắn có giá, nhiều nông dân ở các xã Sơn Giang (Sông Hinh) đổ xô chặt cây sắn bán. Ông Phạm Quốc Thông, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang (Sông Hinh) cho biết: “Xã đã khuyến cáo nông dân không nên đổ xô chặt cây sắn bán dẫn đến thiếu giống trồng vụ sau, nhưng do thấy cây sắn có giá nên nhiều người vẫn bất chấp làm”.
Ông Tạ Văn Thắng ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) cho biết: Từ đầu năm đến nay, cây sắn được các thương lái mua nhiều nên ông cùng mấy người trong xóm đi chặt sắn thuê, sau đó lấy tiền công mua cây sắn. Số cây sắn này ông bán được 3 chuyến xe tải, mỗi chuyến lời từ 500.000 đến 600.000 đồng. Ông Trần Văn Thông, tài xế xe tải ở huyện Đồng Xuân cho hay: Cây sắn mua rồi chở thẳng vào các tỉnh phía Nam, trong đó chủ yếu là tỉnh Bình Thuận bán lại cho khách hàng đặt sẵn, nghe nói họ mua rồi bán lại cho nông dân trồng.
Lo ngại nhất hiện nay là các vùng trồng sắn ở Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An đang bị bệnh chổi rồng. Bệnh này lây lan nhanh qua đường vận chuyển hom giống, vì vậy nếu không ngăn chặn kịp thời thì khả năng bùng phát thành dịch là rất cao. Ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho hay: Để phòng trừ bệnh chổi rồng, nhện đỏ hại sắn, tuyệt đối không sử dụng các hom sắn ở khu vực đã bị bệnh. Tiêu hủy triệt để thân cây sắn và tàn dư còn tươi ở các vùng sắn đã bị bệnh. Khi trồng sắn, phải sử dụng hom sạch bệnh. Không được vận chuyển cây sắn từ vùng có bệnh sang các vùng khác.
LÊ TRÂM