Chủ Nhật, 06/10/2024 09:37 SA
Cuộc sống mới dọc con đường mới
Thứ Năm, 12/09/2013 07:50 SA

Đi trên trục Cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa (ĐT643) hôm nay chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất này. Con đường mà trước đây, bất cứ ai cũng phải ngán ngẩm bởi nắng bụi, mưa lầy, tai nạn luôn rình rập… giờ đã đi vào quên lãng.

 

DT130912.jpg

ĐT643, đoạn qua Nhà thờ Bác Hồ, xã Sơn Định, Sơn Hòa được thảm nhựa phẳng phiu - Ảnh: P.NAM

TỪ CON ĐƯỜNG “ĐAU KHỔ”

 

Cách đây khoảng 10 năm, ĐT643 được xem là một trong những con đường “khổ ải” vào bậc nhất tỉnh Phú Yên, nhất là đoạn từ quốc lộ 1 thuộc xã An Mỹ (Tuy An) lên ngã 3 thôn Vân Hòa, xã Sơn Long đến xã Sơn Định (Sơn Hòa). Thời điểm đó, để vượt hơn 30km đường đèo dốc hiểm trở, quanh co, đất đá lổm chổm này không hề đơn giản, tai nạn luôn rình rập và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong đó, khó khăn, nguy hiểm nhất là đoạn qua dốc Súc thuộc thôn Phú Long, xã An Mỹ (Tuy An) với nhiều khúc cua hình chữ S liên tiếp gần như dựng đứng. Còn đoạn qua dốc Bà Ngồi thuộc địa bàn xã Sơn Long (Sơn Hòa) vừa cao lại khúc khuỷu, góc cua hẹp, từng được người dân ví như hình ảnh một người phụ nữ trong tư thế ngồi xổm. Đây là 2 đoạn được xem như là những khúc cua tử thần, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người, ám ảnh người điều khiển mô tô, ô tô. Vào mùa nắng, đoạn đường này mịt mù bụi đỏ đất bazan. Nếu đi mô tô phải mất ít nhất 2 giờ đồng hồ chật vật xiết chặt tay lái, còn ô tô phải mất ít nhất 3 giờ đồng hồ gầm rú ga vượt dốc, “bò” từng mét trong tình trạng chao đảo, chồng chềnh nguy hiểm đến thót tim, mới qua được những cua tử thần. Chính vì đường đi khó khăn và nguy hiểm nên vào thời điểm đó, 2 đến 3 ngày mới có 1 chuyến xe khách lên, xuống. Đó là chưa nói đến việc không may gặp phải nạn chặn xe, cướp giật giữa núi rừng hoang vu khi trời tối.

 

Còn nhớ, một vài lần cưỡi chiếc honda 67 “vật lộn” với con đường đau khổ này trong mùa mưa, chúng tôi từng được nếm cảnh gian nan, hãi hùng không thể nào quên. Mỗi chuyến đi thường được bắt đầu khoảng 5 giờ sáng từ TX Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa) đến ngã 4 Hòa Đa, xã An Mỹ (Tuy An) với đoạn đường khoảng 15km. Tuy nhiên, lần nào chúng tôi cũng phải ngừng lại đây khoảng 10 phút để kiểm tra an toàn phương tiện, củng cố tinh thần trước khi vượt con đường “khốn khổ” này. Mặc dù từ quốc lộ 1 lên ngã 3 Vân Hòa, đoạn đường chỉ hơn 20km nhưng phải mất cả buổi, thậm chí cả ngày rú ga, đẩy xe lê từng mét trong tình trạng trơn trượt, đèo dốc. Nếu gặp trời mưa dầm nhiều ngày, không những mô tô mà cả ô tô đều phải “mặc áo xích” quàng vào lốp mới hy vọng vượt qua chặng đường nguy hiểm này. Vào thời điểm đó, niềm mong ước, khát khao lớn nhất của người dân miền núi, đặc biệt là 3 xã cánh bắc Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân của huyện Sơn Hòa là sớm được Nhà nước đầu tư xây dựng con đường này.

 

THÀNH TRỤC KẾT NỐI ĐÔNG - TÂY

 

10 năm sau, chúng tôi lái chiếc mô tô Wave đời mới ung dung lướt trên ĐT643 dưới nắng vàng và làn sương se lạnh hắt ra từ vách núi. Đường rộng hơn 10m, kết cấu bằng bê tông cốt thép. Tuy chưa hoàn thành toàn tuyến, nhưng hiện đã có hàng chục km được đơn vị thi công trải thảm phẳng lỳ như “mặt gương” bằng công nghệ hiện đại. Chọn một vị trí cao, mát bên lề đường nghỉ xả hơi, quan sát những dòng xe hối hả phục vụ công trình và vận chuyển nông sản, hành khách tấp nập ngược xuôi, chúng tôi thầm mừng và có cảm giác miền sơn cước hôm nay đang cởi bỏ tấm màn của sự khắc khoải, hé lộ tia hào quang rực rỡ của sự phát triển đột phá trong nay mai. Dốc Bà Ngồi, góc cua “tử thần” năm nào từng là nỗi ám ảnh của người đi đường, giờ đã đi vào quên lãng. Thay vào đó là con đường bê tông xẻ núi rộng mở, nhiều đoạn được phóng tuyến thẳng tắp, xóa sạch mọi dấu vết của sự khổ ải, hiểm nguy. Đẹp mắt nhất là đoạn đường gần 10km đồi núi trùng điệp từ xã An Thọ (Tuy An) tới ngã 3 thôn Vân Hòa, xã Sơn Long (Sơn Hòa) với độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển, là bạt ngàn màu xanh của mía, sắn và cao su được người dân trồng vài năm trở lại đây. Dưới những thung lũng xanh ngút tầm mắt và ven sườn đồi là các khu dân cư rợp màu ngói đỏ như vừa được choàng tấm áo mới. Thấy chúng tôi ghi hình, anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Kim Sơn, xã An Thọ (Tuy An) chia sẻ niềm vui: “Thôn này có hơn 100 hộ. Từ khi có con đường mới này, việc vận chuyển nguyên vật liệu xây nhà không còn khó khăn như trước đây. Từ năm ngoái đến nay, đường sá thuận lợi, hàng hóa lưu thông dễ dàng nên bà con rầm rộ sửa sang, xây dựng lại nhà và mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất với hy vọng sớm đổi đời từ chính mảnh đất này”.

 

Đang xây lại ngôi nhà mới, vợ chồng chị Lê Thị Kim Nhung trước đây ở thôn Tư Thạnh, xã An Lĩnh, đến năm 1993 chuyển lên thôn Quảng Đức, xã An Thọ (Tuy An) vui vẻ cho hay: “Nhà tôi nằm giữa tim đường cũ được đền bù gần 400 triệu đồng. Nay vợ chồng đang xây lại nhà mới dự kiến hết khoảng 350 triệu đồng, số tiền còn lại đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng, tăng năng suất cây trồng. Gia đình tôi có 6ha keo từ 2 đến 7 năm tuổi và 3ha mía trồng rải rác dọc chân đồi, hứa hẹn cho thu nhập cao trong nay mai. Vụ vừa rồi, riêng cây mía thu hoạch được gần 150 tấn cho lãi khoảng 100 triệu đồng”. Chị Nhung cho biết thêm, trước đây, đường đèo dốc, nguy hiểm, chi phí vận chuyển nông sản “ngốn” gần hết lợi nhuận. Nay đường thông thoáng, dù giá nông sản có thấp nhưng người dân vẫn có lãi. Theo nhiều người dân sinh sống, kinh doanh dọc con đường này, hiện cuộc sống của họ đang được mở ra một trang mới khi mỗi ngày có từ 2 đến 3 chuyến xe khách lên xuống, hàng hóa được lưu thông, nông sản vận chuyển dễ dàng về các nhà máy, nhất là nhu cầu về nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt được đáp ứng hàng ngày.

 

Trên công trường vào những ngày đầu tháng 9 này, nhà thầu đang huy động nhiều nhân lực, tập trung thiết bị máy móc, nguyên vật liệu, rầm rộ đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên lề đường, ngành viễn thông cũng đang khẩn trương lắp đặt hệ thống cáp tín hiệu. Dưới chân các sườn đồi, nông dân hồ hởi thu hoạch mía, sắn… Toàn cảnh trên trục giao thông Cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa những ngày này trở nên rộn rã, tất bật với cuộc sống mới.

 

Đường Cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa có tổng chiều dài hơn 40km, vốn đầu tư 829 tỉ đồng, do liên danh Tổng công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế Xuân Thành và Công ty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) thi công. Công trình gồm hai tuyến ĐT643 và ĐT650, là một trong những đường ngang chiến lược kết nối quốc lộ 1 với đường ven biển và trục giao thông phía Tây. Ngoài chức năng cứu hộ cứu nạn, tránh lũ và liên kết vùng, tuyến đường này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng căn cứ cách mạng phía tây tỉnh Phú Yên; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhân dân và du khách đến thăm các khu di tích lịch sử của tỉnh Phú Yên, trong đó có Nhà thờ Bác Hồ và Hội trường Mùa Xuân. Tuy chậm tiến độ, song tuyến đường này đã được thảm bê tông từ xã An Mỹ đến thôn Kim Sơn, xã An Thọ (Tuy An). Đoạn còn lại đang được đơn vị thi công san ủi mặt bằng, trải đá dăm để tiếp tục thảm bê tông. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự, dự kiến ĐT643 sẽ được cơ bản thông tuyến trong năm 2013, mở ra hướng phát triển mới, toàn diện cho cả miền núi phía tây Phú Yên.

 

PHƯƠNG NAM - ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek