Do thiếu nguồn cung nên hơn tuần qua, giá thịt heo và nhiều mặt hàng thủy sản tại các chợ ở TP Tuy Hòa đều tăng. Điều này khiến người tiêu dùng lo lắng, vì giá cả của mặt hàng này sẽ có thể còn tiếp tục tăng cho đến Tết Nguyên đán sắp đến.
Thịt heo tăng giá thêm nỗi lo cho người tiêu dùng - Ảnh: K.ANH
2/3 SỐ HEO ĐƯỢC NHẬP VỀ TỪ TỈNH KHÁC
Chị Đặng Thị Hồng Thơm, tiểu thương chợ Tân Hiệp (phường 2, TP Tuy Hòa) cho biết: Gần 10 ngày nay, giá thịt heo trên thị trường đã tăng hơn 10.000 đồng/kg. Hiện, giá thịt heo đùi 80.000 đồng/kg, ba chỉ 70.000 đồng/kg, thịt vai, giò 65.000 đồng/kg, sườn non 100.000 đồng/kg. Nguyên nhân do thiếu nguồn cung nên giá heo hơi mua vào từ 44.000 đến 46.000đồng/kg, tăng 8.000 đến 9.000 đồng/kg so với các tháng trước đây. Cũng theo chị Thơm, các hộ nuôi heo trong tỉnh chỉ nuôi khoảng vài ba con, không có nhiều hộ nuôi với số lượng lớn nên nguồn cung của địa phương còn hạn chế. Mặt khác, vào đầu năm 2013, giá heo hơi sụt giảm, phần lớn người nuôi thua lỗ đã bỏ trống chuồng, do đó số heo thịt giảm không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội. Lượng thịt heo bán ra thị trường hiện nay đa số là heo nhập từ Bình Định, Đắk Lắk.
Hiện tại, các cơ sở giết mổ gia súc ở TP Tuy Hòa, trung bình mỗi ngày giết mổ từ 50 đến 60 con heo; trong đó, đã có đến 2/3 số heo được nhập về từ tỉnh khác. Theo chị Trần Thị Thanh Thu, làm việc tại 1 lò giết mổ heo ở TP Tuy Hòa thì heo được chở đến giết mổ ở cơ sở không phải heo của người dân địa phương. Tình trạng cung không đủ cầu (cả trong và ngoài tỉnh) nên giá thịt heo tăng mạnh.
Trong khi đó, giá của các mặt hàng thủy sản cũng không ổn định. Hàng ngày, tùy vào số lượng đầu vào ít hay nhiều, sức mua của người tiêu dùng mạnh hay yếu mà tiểu thương quy định giá bán. Bà Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương ở chợ phường 6 (TP Tuy Hòa) cho hay: “Thị trường luôn biến động. Chúng tôi cũng không thể theo quy định của các ngành chức năng; cứ hôm nào ít cá thì bán giá cao, còn nhiều thì bán giá thấp. Thậm chí giá bán vào đầu buổi chợ cũng khác so với cuối buổi, vì đầu buổi thì hàng còn tươi nên chúng tôi phải bán giá cao để bù vào lượng hàng tồn sau đó. Ngoài ra, nhiều ngày qua, các loại thủy sản về chợ không nhiều. Khi thiếu hàng, chúng tôi phải vào các tỉnh phía Nam để mua, do thêm chi phí vận chuyển nên phải tăng giá bán”.
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, GIẢM GÁNH NẶNG CHO NGƯỜI DÂN
Gần đây, các khoản chi cho điện, nước, gas… liên tục tăng. Nay, với sự biến động của giá cả thực phẩm, người dân thêm khó khăn hơn. Bà Phùng Thị Thủy Bình, ở khu phố Bà Triệu, phường 7 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Các loại thực phẩm như cá, mực, thịt heo… là những thứ không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Nhưng với giá thực phẩm tăng cao, các khoản chi phí khác cũng tăng thì người dân như chúng tôi xoay xở rất khó khăn. Mức chi tiêu như hiện nay của gia đình tôi là đã tằn tiện lắm rồi, nếu phải thắt chặt thêm nữa thì không biết chúng tôi phải làm thế nào”.
Theo các tiểu thương, thông lệ từ nay đến cuối năm, các mặt hàng thực phẩm sẽ tăng giá. Đặc biệt, nếu nguồn cung trong tỉnh không đủ đáp ứng thị trường thì giá cả sẽ còn nhiều biến động, nhất là vào dịp từ lễ Noel đến Tết Nguyên đán. Ông Phạm Ngọc Trang, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thực hiện theo kế hoạch của Sở Công thương, đơn vị đang chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình hàng hóa, giá cả ở các chợ, điểm kinh doanh nhỏ lẻ… và báo cáo cho Chi cục khi phát hiện trường hợp vi phạm về giá bán, gây mất ổn định thị trường; đồng thời, nhắc nhở, chấn chỉnh đối với những hành vi tự ý tăng giá của tiểu thương. Đối với việc vận chuyển hàng hóa, lực lượng kiểm tra cần thực hiện theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, góp phần tăng hiệu quả của công tác giám sát, tuần tra vận chuyển hàng hóa trái phép, không bảo đảm chất lượng.
KHANG ANH