Việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch đường Nguyễn Tất Thành (đoạn từ nút giao với tuyến tránh quốc lộ 1 tới phía bắc cầu Đà Rằng cũ, TP Tuy Hòa) đã đáp ứng nhu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của các đơn vị quản lý quy hoạch, góp phần phát triển đô thị Tuy Hòa ngày càng khang trang.
Đại lộ Nguyễn Tất Thành được quy hoạch khang trang - Ảnh: H.NHƯ
Đường Nguyễn Tất Thành (đoạn từ nút giao với tuyến tránh quốc lộ 1 tới phía bắc cầu Đà Rằng cũ) dài khoảng 7,3km với chiều rộng 30m, vỉa hè mỗi bên rộng 4,5m, dải phân cách rộng 1,5m. Đây là một trong những tuyến đường chính, điểm nhấn mỹ quan của TP Tuy Hòa. Chính vì thế, việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc và xây dựng đường Nguyễn Tất Thành là hết sức cần thiết, tạo sự chỉnh trang cho đô thị. Theo quy chế này, đường Nguyễn Tất Thành được chia thành 7 phân đoạn quản lý (đoạn 1 từ phía bắc cầu Đà Rằng cũ đến phía nam cầu Sông Chùa, đoạn 2 từ phía bắc cầu Sông Chùa đến đường Trần Hưng Đạo, đoạn 3 từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Lê Lợi, đoạn 4 từ đường Lê Lợi đến đường Trần Phú, đoạn 5 từ đường Trần Phú đến đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn 6 từ đường Nguyễn Hữu Thọ đến đường số 14, đoạn 7 từ đường số 14 đến nút giao với tuyến tránh quốc lộ 1), mỗi phần đoạn có một quy định riêng như có đoạn đường bắt buộc nhà phải xây theo kiểu biệt thự, nhà liền kế, nhà liền kế sân vườn...
Quy chế quản lý quy hoạch đường Nguyễn Tất Thành quy định rõ các công trình kiến trúc bằng vật liệu thô sơ như tranh, tre, nứa lá; các công trình xây thêm có kiến trúc chắp vá, tạm bợ sẽ không được phép xây dựng. Đối với nhà ở liền kế, nhà liền kế có sân vườn, công trình công cộng dạng nhà liền kế phải có chiều ngang mặt tiền từ 4m, chiều sâu từ 10m trở lên. Riêng nhà biệt thự, diện tích quy định tối thiểu là 140m2, chiều ngang mặt tiền từ 7m trở lên, chiều sâu từ 20m trở lên. Trong quy chế cũng quy định cụ thể hình thức kiến trúc của cổng, tường rào phải thoáng, nhẹ và hài hòa với cảnh quan xung quanh. Cao trình san nền, san lấp mặt bằng phải theo thiết kế được duyệt nhưng phải đảm bảo cho nước mưa thoát nhanh không gây xói lở, ngập úng nền đường và đảm bảo giao thông thuận lợi. Trong quy chế cũng nêu rõ các quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, tầng hầm, bảng quảng cáo…
Theo Sở Xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch đường Nguyễn Tất Thành đã được chuyển giao về các địa phương nơi tuyến đường đi qua. Mỗi địa phương sẽ xác định cụ thể phần quy định quy hoạch thuộc xã, phường mình quản lý để tiện tra cứu, áp dụng trong công tác quản lý. Anh Ngô Ngọc Thành, cán bộ địa chính phường 2 cho biết: “Lâu nay, dù đường Nguyễn Tất Thành đã có quy hoạch về kiến trúc xây dựng nhưng vẫn chưa cụ thể nên chúng tôi rất khó quản lý. Quy chế quản lý quy hoạch đường Nguyễn Tất Thành ra đời giúp địa phương dễ dàng hơn trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng. Quy chế này quy định khá cụ thể các chi tiết quản lý nên cán bộ quản lý dễ dàng áp dụng vào thực tế. Chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền quy chế này sâu rộng đến người dân hai bên đường Nguyễn Tất Thành để thực hiện nghiêm túc trong quá trình xây dựng nhà, vật kiến trúc”.
Theo ông Nguyễn Trọng Cường, Phó giám đốc Sở Xây dựng, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc và xây dựng đường Nguyễn Tất Thành là quy chế quản lý quy hoạch đường đầu tiên ở Phú Yên; đánh dấu sự phát triển hiện đại trong công tác quản lý quy hoạch. Khi quy chế này được áp dụng trong thực tế, hệ thống kiến trúc hai bên đường sẽ được quy củ hơn, góp phần tạo sự khang trang, phát triển cho đô thị Tuy Hòa. Đồng thời, quy chế cũng góp phần tạo sự hiện đại, văn minh cho thành phố trẻ.
HỒ NHƯ