Nhà máy lọc dầu Vũng Rô là dự án lớn mang tính đột phá, chiến lược trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh Phú Yên, là niềm mong đợi của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Văn Trúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh về dự án này.
Bãi Gốc (Hòa Tâm, Đông Hòa) nơi xây dựng cảng dầu khí phục vụ Nhà máy lọc dầu Vũng Rô - Ảnh: M.ANH
* Theo dự kiến, chỉ còn hơn nửa tháng nữa là khởi công dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Xin đồng chí cho biết quy mô, tiến độ của dự án này.
- Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Phú Yên (khóa VI) vừa qua, đã biểu quyết thông qua nghị quyết đồng ý chủ đầu tư Nhà máy lọc dầu Vũng Rô là Công ty TNHH Technorstar Management Ltd được điều chỉnh quy mô công suất từ 4 triệu tấn lên 8 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư 3,179 tỉ USD. Địa điểm thi công nhà máy được điều chỉnh từ làng Thượng, xã Hòa Tâm về Khu công nghiệp Lọc hóa dầu Hòa Tâm có diện tích 538ha và diện tích mặt nước biển từ 500 đến 1.300ha. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy lọc dầu Vũng Rô sẽ đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng 111 triệu USD/năm và tạo việc làm ổn định cho 1.300 lao động. Theo kế hoạch, dự án xây dựng hoàn thành trong vòng 48 tháng kể từ ngày khởi công, trong đó thời gian vận hành chạy thử 6 tháng.
Ngày 1/2/2013, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 52/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp thường trực Chính phủ về dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô và Văn bản số 204/TTg-KTN ngày 1/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế áp dụng đối với dự án này. Ngoài việc đưa dự án vào danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư, Chính phủ thống nhất một số cơ chế, chính sách; trong đó áp dụng thuế suất xuất khẩu sản phẩm lọc dầu là 0% và Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào về đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc theo quy định. Ngày 19/6 Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép áp dụng thuế xuất khẩu 0% đối với sản phẩm hóa dầu và lưu huỳnh của nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Đồng thời chấp thuận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương (90% tổng dự toán được duyệt) để đầu tư triển khai xây dựng các dự án như Khu tái định cư Phú Lạc, Cảng cá Phú Lạc và Mở rộng đường nối quốc lộ 1 đến Khu công nghiệp Lọc hóa dầu Hòa Tâm.
Về ngày khởi công theo dự định trước đây 2/9/2013 nhưng không thể thực hiện được vì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực cảng chưa tiến hành xong và hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án đang được hoàn chỉnh. Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư đang gấp rút hoàn chỉnh hợp đồng tổng thầu EPC với Công ty Tư vấn JGC - Nhật Bản và trình phê duyệt hồ sơ thiết kế cảng bãi Gốc để khởi công trong năm 2013 này.
* Trong khi dự án đang tiến triển tốt nhưng có ý kiến cho rằng, tỉnh chưa thực hiện đầy đủ theo quy trình của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, mà đã điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Xin đồng chí cho biết quan điểm của tỉnh về vấn đề này?
- Việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát để giao đất cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đầu tư xây dựng Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô là quyết định của tập thể lãnh đạo tỉnh Phú Yên, đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua và được HĐND tỉnh ra nghị quyết. Tất cả vì mục đích đảm bảo lợi ích của đất nước, của nhân dân và sự phát triển ổn định, lâu dài của địa phương. Quy trình của dự án được tỉnh cân nhắc kỹ trên cơ sở căn cứ vào Luật Đầu tư và theo đúng chủ trương của Chính phủ tại Thông báo số 52/TB-VPCP ngày 1/2/2013 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô.
Cơ sở pháp lý, cũng như chủ trương về dự án này đã được UBND tỉnh thông tin rộng rãi đến các cơ quan báo chí, truyền thông của trung ương và địa phương qua cuộc họp báo ngày 5/4/2013. Tuy nhiên, gần đây một số bài báo đưa nội dung thông tin theo hướng phiến diện, thiếu khách quan, thiếu thiện ý về chủ trương của tỉnh và Chính phủ.
* Được biết, dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm do Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát làm chủ đầu tư đã trì trệ kéo dài. Và sự xuất hiện của Nhà máy lọc dầu Vũng Rô mang lại lợi ích gì cho dự án này, thưa đồng chí?
- Theo Luật Đầu tư, việc chậm trễ đầu tư dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm hơn 1 năm, làm chậm cơ hội thu hút các dự án đầu tư khác của địa phương, thì UBND tỉnh có đủ điều kiện để thu hồi dự án này. Nhưng với thiện chí của một cấp chính quyền địa phương muốn giữ chân các nhà đầu tư, nên tỉnh Phú Yên chưa tính đến việc thu hồi dự án, mà chỉ có chủ trương điều chỉnh diện tích vốn đã khá lớn (hơn 2.000ha) để giao một phần (538ha mặt đất) cho nhà đầu tư khác có năng lực thực hiện. Sắp tới, nếu Hiệp Hòa Phát không tiếp tục triển khai dự án, thì UBND tỉnh sẽ xem xét thu hồi toàn bộ dự án này.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, Hiệp Hòa Phát là nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư này mới thực hiện bước nghiên cứu khảo sát lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/2.000, chứ chưa có quyết định thu hồi và giao đất, nên chưa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, cũng chưa đầu tư xây dựng bất kỳ công trình nào trong khu vực này. Vì lợi ích chung và niềm mong đợi của người dân Phú Yên, đặc biệt là cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong vùng dự án, UBND tỉnh Phú Yên quyết định, không thể chờ đến khi Hiệp Hòa Phát làm xong quy hoạch trình duyệt, xây dựng hạ tầng theo giấy chứng nhận đầu tư mới kêu gọi đầu tư. Vì sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế chung của tỉnh. Còn việc Hiệp Hòa Phát cho rằng, chỉ có họ mới có quyền kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp này là không đúng. Việc UBND tỉnh tổ chức mời gọi đầu tư là theo thẩm quyền được pháp luật quy định, trên cơ sở khu công nghiệp này đã có quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 23/10/2009; đồng thời được Bộ Xây dựng và Bộ KH-ĐT nêu rõ trong báo cáo thẩm định dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cũng cần nói thêm rằng, dự án nhà máy lọc dầu được đầu tư xây dựng trong Khu công nghiệp Hòa Tâm sẽ kéo theo việc đầu tư xây dựng hạ tầng sử dụng chung cho cả khu công nghiệp được Chính phủ hỗ trợ như đã nêu trên. Đây là điều kiện khá thuận lợi cho nhà đầu tư về kết cấu hạ tầng và kêu gọi đầu tư tiếp vào khu công nghiệp này.
* Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về việc Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô thể hiện thiện chí, năng lực của mình trong triển khai dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô qua việc đặt cọc 5 triệu USD?
- UBND tỉnh Phú Yên ký cam kết với Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, và công ty này sẽ chuyển 5 triệu USD ký gửi tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Phú Yên là theo yêu cầu của tỉnh để giữ niềm tin với nhau. Qua đó, nếu nhà đầu tư không thực hiện dự án, thì địa phương không bị thiệt thòi, mất cơ hội kêu gọi nhà đầu tư khác.
Đây là thỏa thuận giữa hai bên về một số nội dung để xin Chính phủ xem xét, quyết định. Do đó, trong thời gian chưa có kết luận của Chính phủ, UBND tỉnh chưa thể công khai. Về số tiền 5 triệu USD nhà đầu tư đặt cọc tại văn bản cam kết đầu tư đã ghi rõ sẽ dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi dự án được phép triển khai. Nếu Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô không triển khai đầu tư dự án theo cam kết, số tiền trên sẽ được sung vào ngân sách.
* Trước khi UBND tỉnh Phú Yên ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô vào tháng 7 vừa qua, có thông qua ý kiến của các cơ quan chức năng không, thưa đồng chí?
- Trước khi ký quyết định này, UBND tỉnh đã gửi văn bản dự thảo để xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan. Qua đó, các bộ, ngành cũng đã có văn bản góp ý cho dự thảo này. Liên quan đến vấn đề này, ngày 25/3/2013, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp liên bộ KH-ĐT, Tài chính, Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho ý kiến góp ý Dự thảo Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh của dự án. Sau đó, ngày 1/7/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự mới ký giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô.
* Gần đây, qua một vài tờ báo, Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát cho rằng, UBND tỉnh Phú Yên không phê duyệt quy hoạch, cũng như chưa bồi hoàn thiệt hại khi điều chỉnh quy hoạch. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về việc này?
- Quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Hòa Tâm do Hiệp Hòa Phát thuê đơn vị tư vấn lập có đề xuất bổ sung Trung tâm Điện lực Hòa Tâm không có trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được Chính phủ phê duyệt, nên phải lấy ý kiến của các bộ, ngành. Việc này, Bộ Công thương đã có ý kiến tại Văn bản số 6620/BCT-TCNL, ngày 23/7/2012 có nội dung: “Quy mô và khả năng liên kết lưới điện của dự án không thuận lợi trong giai đoạn 2016-2025, nếu như các trung tâm điện lực lớn của khu vực miền Trung vận hành đúng tiến độ của Quy hoạch Điện VII. Việc bổ sung Trung tâm Điện lực Hòa Tâm trong giai đoạn 2016-2025 sẽ làm tăng độ dự phòng công suất của cả hệ thống trên 2,5% và của khu vực miền Trung trên 25%. Trong tình hình phát triển nguồn, lưới điện và nhu cầu tăng trưởng phụ tải hiện nay, quy mô của trung tâm điện lực không nên vượt 2.400MW và thời điểm xuất hiện không sớm hơn 2020”.
Như vậy, Hiệp Hòa Phát phải tiến hành điều chỉnh cơ cấu quy hoạch mới có thể trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Mặt khác, cũng chưa có ý kiến của Bộ Quốc phòng cho phép chuyển đổi 40ha đất quốc phòng thuộc vị trí Kho ngầm chứa dầu thô dự trữ. Ngày 21/3/2013, UBND tỉnh Phú Yên đã có Văn bản số 797/UBND-ĐTXD gửi Hiệp Hòa Phát về việc điều chỉnh quy mô nghiên cứu quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Hòa Tâm, có yêu cầu công ty này bổ sung điều chỉnh lại quy mô và cơ cấu quy hoạch theo các thay đổi nêu trên. Tuy nhiên, đến nay, Hiệp Hòa Phát vẫn chưa tiến hành điều chỉnh để trình các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét thẩm định, nên UBND tỉnh không thể phê duyệt được.
Liên quan đến vấn đề bồi hoàn thiệt hại, ngày 3/4/2013, UBND tỉnh Phú Yên đã làm việc với Hiệp Hòa Phát, đề nghị việc yêu cầu giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch đã ảnh hưởng đến việc nghiên cứu đầu tư của Hiệp Hòa Phát, UBND tỉnh có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí trong quá trình đầu tư khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.
Để có cơ sở bồi thường thiệt hại, đề nghị Hiệp Hòa Phát có văn bản đề xuất để UBND tỉnh xem xét, bàn bạc, giải quyết, nhưng đến nay, Hiệp Hòa Phát chưa có văn bản yêu cầu, đề xuất về việc này.
* Có ý kiến cho rằng, “UBND tỉnh Phú Yên phớt lờ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”. Xin đồng chí cho biết quan điểm của tỉnh về vấn đề này?
- Theo Hội Luật gia Việt Nam, cơ quan này đã nhận được nhiều đơn kêu cứu của Hiệp Hòa Phát. Do đó đã ra Văn bản số 233/HLGVN ngày 10/6/2013 gửi Thủ tướng Chính phủ. Tại Văn bản số 5325/VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 2/7/2013, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, giao UBND tỉnh Phú Yên tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành và các bên liên quan và mời Hội Luật gia Việt Nam dự để xem xét, xử lý các nội dung phản ánh, kiến nghị của hội theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2013. Nhưng trong tháng 7/2013, lãnh đạo UBND tỉnh bận chủ trì một số cuộc họp quan trọng theo chương trình kế hoạch đã bố trí lịch; đồng thời chuẩn bị nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 8 (khóa VI). Vì vậy, ngày 29/7/2013, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2377/UBND-ĐTXD gửi Hội Luật gia Việt Nam về việc dời sang tháng 8/2013 sẽ tổ chức họp, mời hội tham dự, bàn về các vấn đề liên quan đến dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm. Do đó, việc “UBND tỉnh Phú Yên phớt lờ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” như một số tờ báo đưa tin là không chính xác.
* Xin cảm ơn đồng chí!
ANH KIỆT - PHƯƠNG NAM (thực hiện)