Sau 5 năm chật vật vì khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, các nền kinh tế phát triển cuối cùng đã bắt đầu đón nhận những dấu hiệu phục hồi.
Một loạt các số liệu tích cực gần đây đã cho thấy các nền kinh tế phát triển đều đang có sự khởi sắc, khi người tiêu dùng giàu có hơn và các doanh nghiệp "bơi tiếp sức" cùng các biện pháp hỗ trợ mà đến nay các ngân hàng trung ương các nước vẫn đang tiếp tục thực hiện.
Dẫn đầu các nền kinh tế phát triển trên con đường hồi phục là Mỹ. Thị trường bất động sản nước này, tâm chấn của cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn năm 2008, đã phục hồi mạnh đến mức ở nhiều khu vực như California và Las Vegas có khả năng xuất hiện bong bóng phát triển mới.
Châu Âu, nơi vẫn đang tiếp tục giải quyết vấn đề nợ công, cũng đang ổn định hơn những năm trước. Khu vực sử dụng đồng euro dù còn nhiều gian nan nhưng đã chính thức ra khỏi cuộc suy thoái kéo dài nhất trong lịch sử trong quý II, nhờ sản xuất, xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn.
Trong khi thất nghiệp cao và sự phục hồi không đồng đều vẫn là một vấn đề, hoạt động kinh doanh khả quan hơn trong khu vực có thể cũng có tác động tích cực đến Anh, nơi tăng trưởng kinh tế trong quý II cao hơn nhờ tình hình chung khả quan hơn.
Với Nhật Bản, dù tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong quý II, song đồng yên yếu và nhu cầu trong nước mạnh hơn đang giúp cải thiện lợi nhuận của các công ty và cuối cùng sẽ giúp đẩy lùi căn bệnh giảm phát kinh niên.
Theo bài báo đăng trên Wall Street Journal dẫn báo cáo của quỹ dự phòng rủi ro Bridgewater Associates, những chuyển biến tích cực đó nói lên một điều rằng lần đầu tiên kể từ năm 2007, các nền kinh tế phát triển sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay nhiều hơn các nền kinh tế mới nổi.
Có hai lý do giải thích cho việc tại sao năm 2013 hồi sinh của thế giới phát triển. Trước hết, sự phục hồi của Mỹ được ví như đợt triều dâng, tạo động lực cho tất cả các nền kinh tế khác. Triển vọng cải thiện nhu cầu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang thúc đẩy hoạt động sản xuất ở khắp nơi. Sự phục hồi của kinh tế Mỹ chủ yếu nhờ chính sách hỗ trợ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chính là yếu tố thứ hai đứng đằng sau bước đột phá đang diễn ra ở các nền kinh tế phát triển.
Tiến triển ở các nền kinh tế phát triển là tin tốt lành, có thể giúp ổn định tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và Mỹ Latin - nơi tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trước đây đã chậm lại, do lãi suất tăng, tín dụng bị thắt chặt và nhu cầu yếu.
Xuất khẩu của Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ tăng trở lại trong tháng 7, sau khi giảm trong tháng Sáu. Xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ và châu Âu tăng mạnh, củng cố nhận định rằng nhu cầu ở các nền kinh tế phát triển sẽ kéo các thị trường mới nổi lên.
Dù vậy, những trở ngại với các nước phát triển chưa phải đã hết. Chủ tịch Fed Ben Bernanke sắp kết thúc nhiệm kỳ, để lại cho người kế nhiệm trách nhiệm nặng nề là việc rút chính sách bơm tiền vào nền kinh tế. Châu Âu thì vẫn đối mặt với nhiệm vụ không dễ dàng là cải cách kinh tế, trong khi Nhật Bản đang tranh cãi về kế hoạch tăng thuế tiêu dùng, điều có thể ảnh hưởng tới đà phục hồi mới bắt đầu ở nước này.
Theo TTXVN