Hoạt động trên địa bàn của một huyện mới thành lập đang trong giai đoạn đầu tư phát triển, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 18%, thế nhưng nhờ thực hiện chính sách “bám dân” và phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị - xã hội, chỉ sau một năm đi vào hoạt động, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tây Hoà đã cho hàng ngàn lượt hộ vay vốn. Vốn ngân hàng đã góp phần xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho rất nhiều người dân.
Trước đây gia đình anh Lê Thành ở thôn Mỹ Thạnh Đông (xã Hoà Phong) sống bằng nghề làm thuê, đốt than, gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Cuối năm 2005, được sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng NHCSXH, vợ chồng anh quyết định từ bỏ nghỉ đốt than để bắt đầu một cuộc đời mới bằng cách tham gia vào tổ vay vốn của Hội Nông dân xã. Anh được ngân hàng cho vay 7 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo (mua bò gầy về nuôi thúc để tăng cân bán bò thịt) và thuê đất trồng 0,5 ha mía cao sản. Anh Thành cho biết: “Bây giờ cuộc sống đỡ vất vả hơn trước rồi. Nhờ ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn và tư vấn, vợ chồng tôi mạnh dạn làm ăn nên mới có ngày hôm nay. Nợ ngân hàng nhưng không lo. Con bò, cây mía là cây, con xoá đói giảm nghèo ở vùng này mà”.
Kinh tế Tây Hoà chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Các dự án trồng mía, sắn và chăn nuôi bò lai sind… đã được ngân hàng chú trọng đầu tư vốn để phát triển. Để chủ động cho vay phục vụ sản xuất, ngay từ khi mới thành lập VBSP Tây Hoà đã củng cố tất cả các tổ, nhóm vay vốn tại các thôn thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh huyện. Nhờ vậy, mặc dù số lượng cán bộ ngân hàng còn hạn chế nhưng dư nợ liên tục tăng trưởng, đến nay tổng dư nợ của chi nhánh đạt 34 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 83% tổng dư nợ với trên 7.500 hộ vay.
Hoạt động trên địa bàn một huyện nghèo, 100% xã thuần nông, trụ sở còn thuê của tư nhân, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn thì kết quả trên là một cố gắng lớn của tập thể cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch NHCSXH Tây Hoà. Theo Phó Giám đốc Trần Minh Tân, có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chi nhánh NHCSXH Phú Yên, chính quyền các cấp ở huyện Tây Hoà. “Các tổ chức hội đã giúp hội viên của mình tiếp cận đồng vốn ưu đãi nhanh, sử dụng vốn đúng mục đích, giúp ngân hàng đầu tư đúng đối tượng; đôn đốc thu nợ và lãi đến hạn. Họ là cầu nối quan trọng giữa ngân hàng với nông dân”.
Tây Hoà đang phấn đấu đến năm 2010, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 350 USD, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10 – 12%. Để đạt được những mục tiêu đó, huyện đang cùng các ban ngành củng cố xây dựng các vùng trung tâm phát triển kinh tế, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời cùng với ngân hàng đẩy mạnh việc giải ngân phục vụ sản xuất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Chắc chắn trong thời gian tới, đồng vốn của NHCSXH sẽ góp phần cùng huyện phát triển kinh tế, mang lại cho dân nghèo vùng này cuộc sống no đủ hơn.
ĐĂNG NGUYÊN