Trong xu thế phát triển chung, TP Tuy Hoà đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt. Nhiều công trình kiến trúc mới đang và sẽ mọc lên làm cho bộ mặt đô thị thêm hiện đại, văn minh. Và những chiếc cầu, trong dòng chảy của cuộc sống, cũng có đời sống riêng của mình góp phần làm cho bộ mặt thành phố thêm tươi trẻ, kỳ vĩ, tạo những dấu ấn riêng cho dáng vẻ Tuy Hòa.
Phối cảnh mô hình cầu Hùng Vương và đô thị nam TP Tuy Hòa - Ảnh: Hoài Trung
Khách trên đường thiên lý Bắc –
Và sứ mệnh đó đang đặt lên vai cầu Hùng Vương. Một chiếc cũng bắc qua sông Đà Rằng nối trung tâm hành chính của tỉnh với vùng kinh tế động lực phía nam sẽ tạo nên một hình ảnh sinh động trong cảnh quan đô thị Tuy Hoà. Dẫu còn có ý kiến khác nhau nhưng ý tưởng một chiếc cầu có kiểu dáng kiến trúc độc đáo đang được nhiều người ủng hộ. Nhưng những mái vòm chồng lên mặt cầu như thiết kế hiện nay đã đủ gây ấn tượng cho người dân thành phố và du khách? Bởi giữa khung trời bao la, sóng nước mênh mông của cửa sông Đà Rằng sao có vẻ nó còn khiêm tốn quá. Kiểu dáng chiếc cầu này phải làm sao cho bức tranh thành phố thêm hoành tráng, hiện đại, kỳ vĩ như mong ước của bao người.
Mỗi lần đứng trên núi Nhạn nhìn về cưả sông Đà Rằng thấy dòng sông Chùa như một dải lụa loang loáng ánh bạc dưới trăng vàng mang bao nỗi niềm của một vùng quê yên tĩnh bên kia sông, nhiều người ước ao có một chiếc cầu dáng cong cong như chiếc đòn gánh của chị hàng rau Ngọc Lãng bắc qua dải lụa thơ mộng đó. Đơn sơ, mộc mạc, nó không chỉ làm vơi bớùt sự nhọc nhằn của những người bà, người mẹ khuya sớm tảo tần lên đò xuống bến đưa rau, đưa hoa sang phố thị làm tươi thêm cuộc sống, mà còn góp phần làm tôn thêm nét yêu kiều của Tuy Hòa, nối trung tâm thành phố với vùng rau Ngọc Lãng có nhiều triển vọng trở thành vùng du lịch sinh thái.
Mỗi chiếc cầu có một đời sống riêng, gắn bó với cuộc sống luôn bộn bề của con người. Từ dáng cầu cho đến cái tên, cùng với thời gian chúng sẽ trở nên thân quen đối với người gắn bo ùđất này, sẽ trở thành kỷ niệm của người ly hương, thành ấn tượng trong lòng du khách… Bởi vậy, khi lập dự án xây dựng một chiếc cầu, ngoài các yếu tố kinh tế, kỹ thuật, cần chú ý đến yếu tố văn hóa.
Trong lòng thành phố trẻ có chiếc cầu nhỏ mang tên Vạn Kiếp trên đường Trần Hưng Đạo. Những người làm cầu trước đây lấy tên địa danh ghi dấu chiến công hiển hách của Trần Hưng Đạo để đặt tên cho cầu này. Sao bây giờ ta không học theo cái hay của người trước để đặt tên cho những chiếc cầu? Đi qua những chiếc cầu “không tên” ta cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó để neo giữ những cảm xúc, những ấn tượng về một miền quê, một vùng đất. Thế nhưng, trên thành phố đang hiện đại hóa, còn có những chiếc cầu không tên hay trùng tên, thì thật đáng tiếc.
Nhìn những đàn én chao mình bay lượn trên dòng sông Ba mang mùa xuân về với thành phố trẻ cho ta liên tưởng đến những chiếc cầu căng như những cánh chim kia vượt qua những nút giao thông quan trọng trong tương lai. Mỗi lần đứng chờ tàu hoả qua ở gác chắn đường Trần Hưng Đạo, thả tầm mắt sang bên kia cầu “ Mới” cũng có dòng người đang chờ đèn xanh , trong khi trên Quốc lộ IA từng đoàn xe ngược xuôi tấp nập, nhiều người nghĩ đến chiếc cầu vượt “bay “ qua đường sắt, qua Quốc lộ IA (cũ), qua cả cầu”Mới” nối với Quốc lộ 25, thì thuận tiện biết bao. Chiếc cầu vượt như một cánh cung tràn trề sức lực, với những đường dẫn toả ra các phía, tạo nên một ấn tượng mạnh cho cửa ngõ nội ô thành phố. Và cũng có một cầu vượt tương tự như thế ở phía Bắc đường Hùng Vương.
Mùa xuân 2007 đã đến, chúng ta mơ về một tương lai thành phố Tuy Hòa to đẹp văn minh hiện đại hơn với những ấn tượng nổi bật từ những chiếc cầu.
HỮU THỌ