Từ khi Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đưa vào hoạt động, người dân ở các xã Suối Trai, Krông Pa (Sơn Hòa), Đức Bình Tây, Ea Lâm, Ea Bá (Sông Hinh) có cơ hội khai thác nguồn cá nước ngọt, mang lại thu nhập cao.
Người dân phấn khởi đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ - Ảnh: L.KHA
Từ bao đời nay, người dân hai bên bờ sông Ba thuộc huyện Sơn Hòa và Sông Hinh chủ yếu sinh sống nhờ trồng trọt, chăn nuôi. Từ khi công trình thủy điện Sông Ba Hạ hoàn thành vào năm 2009, nhiều hộ dân có thêm nghề mới, đánh bắt cá trong lòng hồ thủy điện. Ông Ma Kắp ở buôn Bầu, xã Ea Bá (Sông Hinh) cho biết: “Nước hồ thủy điện Sông Ba Hạ không chỉ giúp chúng tôi chủ động nước tưới phục vụ trồng trọt, mà còn tạo thêm cơ hội đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn gia đình và bán cho người khác. Nhờ vậy mà chúng tôi có thêm nguồn thu nhập trong lúc chờ thu hoạch nông sản”.
Thủy điện Sông Ba Hạ là một trong những thủy điện lớn của miền Trung được quy hoạch trên địa bàn 15 xã thuộc 2 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) và huyện Krông Pa (Gia Lai). Hồ có dung tích 395 triệu m3, không chỉ bảo đảm nước tưới cho lúa và hoa màu, mà còn tạo ra nguồn lợi thủy sản dồi dào với nhiều loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao như chình, lóc, mè, chép, rô phi… Ông Ma Đam ở buôn Xây Dựng, xã Suối Trai (Sơn Hòa) cho biết: “Tôi thường đem lưới ra hồ thủy điện Sông Ba Hạ bắt cá, bình quân mỗi ngày thu từ 15 đến 20kg cá rô phi, sốc, bán khoảng 200.000 đồng”. Theo ông Y Cách, Trưởng buôn Lé, xã Krông Pa (Sơn Hòa), ngoài người dân trong xã, người dân các huyện Tuy An (Phú Yên) và Hoài Nhơn (Bình Định) cũng đến đây đánh cá trong lòng hồ. Hiện ở xã Suối Trai có hàng chục hộ tự sắm sõng, lưới làm nghề, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Hàng ngày, cá được các thương lái ở huyện Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) và huyện Krông Pa (Gia Lai) thu mua, vận chuyển đến các xã vùng sâu, vùng xa tiêu thụ. Ông La Chí Tùng, Chủ tịch UBND xã Krông Pa cho biết: “Địa phương rất khuyến khích bà con khai thác cá nước ngọt trong lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ bằng các dụng cụ truyền thống như chài, lưới… Tuy nhiên, hiện có một số người dân ở nơi khác đến đánh bắt thủy sản bằng xung điện, hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên. Địa phương đang rất cần các ngành chức năng phối hợp ngăn chặn tình trạng này, đồng thời đưa ra những mô hình quản lý, khai thác cá hiệu quả trong lòng hồ thủy điện này.
LÊ KHA