Thứ Tư, 27/11/2024 03:03 SA
Thương mại điện tử tại các doanh nghiệp:
Hiệu quả thấy rõ, nhưng chưa mạnh dạn ứng dụng
Thứ Tư, 14/08/2013 07:45 SA

Hiện nay, việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Thế nhưng đây lại là xu hướng tất yếu cần được đẩy mạnh để góp phần quảng bá sản phẩm của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 

mang-130814.jpg

Nhân viên một công ty ở TP Tuy Hòa giao dịch, quản lý website bán hàng - Ảnh: K.ANH

CÒN NHỮNG HẠN CHẾ

 

Theo Sở Công thương Phú Yên, năm 2012, đơn vị đã hỗ trợ 19 doanh nghiệp xây dựng website và tên miền email. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chỉ mới lắp đặt máy vi tính, kết nối mạng internet, chứ chưa đầu tư nhiều cho phần mềm chuyên dụng và đào tạo nhân lực phục vụ cho TMĐT. Theo kết quả khảo sát mới đây, chi phí trang bị cho phần cứng trung bình chiếm 51,6%, chi phí phần mềm chiếm 23,6%, chi phí đào tạo nhân lực chiếm 12,2% và các các chi khác chiếm 12,5% trong tổng chi phí đầu tư cho TMĐT. Do nhận thức về TMĐT của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế; hệ thống các dịch vụ thanh toán, vận chuyển, giao và nhận hàng hóa chưa hoàn chỉnh; an ninh mạng, môi trường xã hội, tập quán kinh doanh chưa đảm bảo, nên TMĐT của các doanh nghiệp ở Phú Yên chỉ dừng lại ở mức chào hàng, chưa chuyển sang giai đoạn ký kết hợp đồng. Đây là hạn chế trong việc ứng dụng, triển khai TMĐT.

 

 Ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Phú Yên có 38,9% doanh nghiệp có website, 46,3% doanh nghiệp không đăng ký website và 14,8% doanh nghiệp có dự định thành lập website. Trong số các doanh nghiệp đăng ký website phục vụ việc bán hàng, có 42,6% doanh nghiệp có doanh thu tăng, 29,6% doanh nghiệp giữ nguyên mức thu và 11,1% doanh nghiệp giảm. Điều này chứng tỏ, TMĐT đã mang lại hiệu quả tốt cho phần lớn doanh nghiệp, song vẫn còn nhiều tồn tại, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp.

 

Theo chủ các doanh nghiệp, có rất nhiều kênh phân phối qua website bán hàng đã lợi dụng TMĐT để kinh doanh trái phép, làm giảm niềm tin từ phía khách hàng; một số người tiêu dùng tỏ ra lo ngại khi tham gia mua hàng trực tuyến, làm ảnh hưởng đến uy tín của các địa chỉ kinh doanh chân chính. Ngoài ra, khi phát hiện hành vi gian lận thương mại, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn khiếu kiện; thao tác vận hành, quản trị website còn rất hạn chế; chế tài xử phạt của TMĐT chưa đủ mạnh, công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo trong việc phát hiện, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Bà Nguyễn Thị Hà, đại diện DNTN Hà Trung cho biết: “Thương hiệu bò “một nắng hai sương” của doanh nghiệp đã được công nhận; chất lượng, mẫu mã không trùng khớp với bất kỳ một sản phẩm nào (trong phạm vi cả nước). Tuy nhiên, khi phát hiện hình ảnh sản phẩm của doanh nghiệp có mặt trên một website khác, chúng tôi chỉ biết liên hệ với chủ website vi phạm; nhưng cách giải quyết cũng không mấy hiệu quả. Trong khi trình độ, năng lực của các doanh nghiệp chưa đủ đáp ứng yêu cầu quản lý website, chúng tôi rất cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, để bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm”.

 

HIỆU QUẢ THIẾT THỰC

 

Năm 2013, Sở Công thương Phú Yên tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trên địa bàn có điều kiện vận hành và ứng dụng rộng rãi TMĐT trong hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp, cơ quan… tạo lập website sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật ứng dụng, vận hành với mức 8 triệu đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 3 triệu đồng và tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng. Tại Phú Yên, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ, kinh doanh theo hộ gia đình. Để góp phần tăng hiệu quả kinh doanh, việc xây dựng website cho doanh nghiệp không chỉ nâng cao sức cạnh tranh mà còn là môi trường tốt để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa địa phương đến với khách hàng.

 

Bà Nguyễn Thị Hà cho biết thêm: Nhờ công tác quảng bá trực tuyến, sản phẩm của doanh nghiệp đã được người tiêu dùng trong nước biết đến. Điều đáng mừng là gần đây đã có đơn đặt hàng từ các tỉnh qua mạng internet. Thông qua website, chúng tôi có thể giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm; hoặc đối thoại, tư vấn, giải đáp các thắc mắc của khách hàng.

 

Thực tế, những sản phẩm đặc trưng của địa phương rất phong phú và ngày càng hoàn thiện về chất lượng và mẫu mã. Chính vì thế, việc tạo lập hệ thống bán hàng trực tuyến được sự quan tâm của nhiều tổ chức và cá nhân. “Từ hiệu quả đạt được bước đầu, công ty đang tiếp tục bổ sung các sản phẩm mới với chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cần cải tiến quy trình quảng bá, bán hàng và TMĐT là một trong những xu thế tiềm năng. Khi đồng loạt tham gia vào môi trường trực tuyến, các doanh nghiệp có thể trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh; góp phần tăng hiệu quả quảng bá hàng địa phương”, ông Lê Hải Đăng, Phó giám đốc Công ty TNHH Bá Hải nói.

 

KHANG ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek