Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đang triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều cán bộ ở cơ sở gặp khó khăn, còn người dân thì thắc mắc cần được cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo.
Tại Phú Yên, người dân đóng phí sử dụng đường bộ đối với mô tô từ 50.000 đồng đến 125.000 đồng/xe/năm tùy theo khu vực sinh sống và dung tích xy lanh xe - Ảnh: L.HẢO |
MỨC PHÍ CAO?
Đầu năm nay, các địa phương ở Phú Yên bắt đầu thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, thời gian thu tính từ ngày 1/1/2013. Theo đó, UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo khu phố (hoặc thôn) hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân có sử dụng mô tô kê khai số lượng và đóng phí với mức từ 50.000 đồng đến 125.000 đồng tùy theo khu vực và dung tích xy lanh xe. Tuy nhiên, nhiều người dân lại không đồng tình với mức phí phải đóng. Ông Trần Trọng Hùng ở phường 7 (TP Tuy Hòa) thắc mắc: Tôi xem trên tivi, thì người dân ở Hà Nội chỉ đóng phí đường bộ dành cho mô tô ở mức thấp nhất theo quy định. Cụ thể là 100.000 đồng/năm đối với xe trên 100cm3 và 50.000 đồng/năm/xe dưới 100cm3. Tại TP Hồ Chí Minh, đến đầu năm 2014, địa phương này mới bắt đầu thu phí. Quy định của Nhà nước mà mỗi nơi làm một kiểu, không đồng bộ thì rất khó hiểu. Còn chị Nguyễn Thị Kiều ở xã Hòa Bình 1 (Tây Hòa) thì lo lắng: Sau khi đóng phí sử dụng đường bộ đối với mô tô, tôi nhận được biên lai là một tờ giấy vừa mỏng vừa xấu. Lấy ra lấy vô vài lần, chữ in trên giấy đã nhòe, không còn xác định được tên người nộp nữa. Thêm vào đó, vì giấy quá mỏng nên tôi sợ là không giữ được cho đến hết năm. Lúc đó, nếu mình đã đóng tiền nhưng biên lai không còn nguyên vẹn thì có làm sao không?
Theo ông Công Văn Lãnh, Phó cục trưởng Cục Thuế Phú Yên, biên lai thu phí được in theo mẫu và chỉ cấp 1 lần. Mặc dù Cục Thuế Phú Yên đã cho in trên giấy tốt nhưng do đặc thù thường xuyên được kiểm tra, kiểm soát nên biên lai thu phí sử dụng đường bộ sẽ dễ hư hỏng. Vì vậy, cơ quan Thuế khuyến cáo người dân nên bảo quản, giữ gìn cẩn thận. Trường hợp bị mất hay hư hỏng, người dân có thể đến UBND các xã, phường, thị trấn nơi thu phí để photo liên 1 và chứng thực đã nộp. Tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, Cục Thuế Phú Yên sẽ báo cáo lên cấp cao hơn để có biện pháp giải quyết. Về mức phí, ông Ngô Bá Lánh, Giám đốc Sở Tài chính giải thích: Theo thông tư 197 của
Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, mỗi năm, mô tô tùy theo phân khối sẽ phải đóng phí từ 50.000 đến 150.000 đồng. Trong khung quy định này, tùy điều kiện của từng tỉnh, thành phố, HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định mức thu phí trên địa bàn. Ở Phú Yên, đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, phí sử dụng đường bộ được thu ở mức thấp nhất. Riêng khu vực đồng bằng, phí là trung bình cộng của mức cao nhất và thấp nhất theo quy định. Một phần nguồn thu, sau đó, sẽ được trích lại cho địa phương để sửa chữa đường, phục vụ nhu cầu dân sinh nên người dân không thể so sánh mức thu giữa nơi này với nơi khác được.
Triển khai thu phí đường bộ đối với mô tô ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh: M.ANH
TRÔNG CHỜ VÀO SỰ TỰ GIÁC
Hiện Phú Yên có trên 400.000 mô tô, trong đó, khoảng 33.000 xe có dung tích xy lanh dưới 100cm3. Theo quy định, UBND các xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô; cán bộ thôn, khu phố chịu trách nhiệm kê khai, thu phí nên những người làm công việc này gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Mùi, Khu phố trưởng Khu phố Nguyễn Thái Học, phường 5 (TP Tuy Hòa) cho biết: Từ trước đến nay, cán bộ khu phố đã kiêm nhiệm quá nhiều công việc, nhất là đi vận động người dân nộp các loại quỹ An ninh quốc phòng, Vì người nghèo, Bảo trợ trẻ em, Đền ơn đáp nghĩa... Nay cán bộ khu phố phải thêm việc thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô nên càng vất vả hơn. Hiện đa số người dân nộp phí nhưng họ phàn nàn về mức phí ở Phú Yên cao hơn các nơi khác, biên lai xác nhận nộp phí quá mỏng, gặp mưa là rã ra ngay… Số ít còn lại, chúng tôi đã thuyết phục nhiều lần nhưng họ vẫn không chấp hành. Nhiều hộ có xe máy nhưng nói rằng đó là xe mượn rồi không kê khai, nộp phí. Một số người lại bảo rằng nhà khó khăn, không có tiền để nộp.
Theo ông Lê Văn Vỹ, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Đông, sau khi tỉnh triển khai quy định về thu phí đường bộ đối với mô tô, địa phương đã chỉ đạo cán bộ thôn đến từng nhà phát tờ khai, hướng dẫn chủ phương tiện kê khai, đóng phí sử dụng đường bộ theo mẫu quy định. Tuy nhiên, hiện việc thu phí phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của người dân. Xã Hòa Mỹ Đông đang tích cực tuyên truyền, vận động về việc thu phí sử dụng đường bộ để người dân hiểu và thực hiện.
Theo quy định của HĐND tỉnh, mức thu phí sử dụng đường bộ ở các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, xã miền núi được công nhận, các xã thuộc 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân đối với loại xe có dung tích xy lanh đến 100cm3 là 50.000 đồng/xe/năm; đối với loại xe có dung tích xy lanh trên 100cm3 là 100.000 đồng/xe/năm. Mức thu ở các xã (trừ xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, xã miền núi được công nhận) thuộc TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, các huyện Phú Hòa, Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa lần lượt là 60.000 đồng và 110.000 đồng/xe/năm. Người dân ở các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố đóng phí 75.000 đồng và 125.000 đồng/xe/năm. Mức phí này vẫn nằm trong khung quy định tại Thông tư 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
LÊ HẢO