Năm 2012, lụt bão xảy ra trên địa bàn tỉnh làm 2 người chết, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, một số công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng… tổng thiệt hại hơn 155 tỉ đồng. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm 2013, các địa phương cần chủ động phòng, tránh.
Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn cho lực lượng xung kích cứu hộ, cứu nạn trong tỉnh - Ảnh: A.NGỌC
PHƯƠNG TIỆN CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TẾ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, mỗi thôn, buôn có từ 1 đến 2 đội thanh niên xung kích; mỗi xã, phường, thị trấn có trung đội dân quân cơ động (hoặc dân quân tại chỗ); mỗi huyện, thị xã, thành phố đại đội dự bị động viên và sẵn sàng huy động từ 2 đến 3 trung đội dân quân cơ động làm nhiệm vụ ứng cứu và trợ giúp nhân dân khi có thiên tai, thảm họa xảy ra. Toàn tỉnh có 92 trạm, chốt sơ cấp cứu ở các xã, phường, thị trấn và tại các vùng trọng điểm; đã thành lập được 377 đội thanh niên chữ thập đỏ xung kích với hơn 2.750 thành viên tham gia, được tập huấn kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu và tìm kiếm cứu hộ, sẵn sàng tham gia ứng cứu và trợ giúp nhân dân khi có thiên tai thảm họa xảy ra.
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đối với hoạt động khai thác thủy sản, tỉnh Phú Yên đã xây dựng, củng cố 105 tổ/787 phương tiện/5.795 thuyền viên tham gia tổ tàu thuyền an toàn… Tuy nhiên, phương tiện phục vụ cứu hộ, cứu nạn hiện nay của các địa phương trong tỉnh đều thiếu hoặc không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ông Nguyễn Văn Đinh, Đội trưởng Đội xung kích cứu hộ, cứu nạn xã Hòa Thịnh (Tây Hòa), cho biết: “Hòa Thịnh là một trong những địa phương thuộc vùng trũng, thấp nên thường xuyên bị ngập lụt và chia cắt. Hiện Đội xung kích cứu hộ, cứu nạn xã Hòa Thịnh có trên 40 đội viên, 7 xuồng cứu hộ và khoảng 170 phao, áo phao cứu sinh. Tuy nhiên, hiện nay đa số xuồng cứu hộ chưa được trang bị máy nên việc đi lại vùng nước chảy xiết gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm…”. Còn ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, huyện đã xây dựng xong 4 khu tái định cư, phục vụ cho công tác di dời dân ở các vùng trũng thấp, vùng xung yếu. Huyện đang lập kế hoạch xây dựng thêm 2 khu tái định cư nữa nhằm ổn định đời sống người dân các vùng thường xuyên bị ngập lụt khi mùa mưa bão đến. Toàn huyện hiện có 5 canô, 96 xuồng cứu hộ (trong đó có 5 xuồng gắn máy). Tuy nhiên, thực tế thời gian qua các canô này có công suất nhỏ, không đảm bảo phục vụ cứu hộ, cứu nạn khi nước lũ chảy xiết. Đề nghị tỉnh và Trung ương ưu tiên đầu tư phương tiện cứu hộ, cứu nạn cho các địa phương có địa hình phức tạp các canô đủ công suất…”.
Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, mặc dù công tác phòng, chống bão lũ, thiên tai năm 2012 được chuẩn bị chu đáo từ cấp tỉnh đến cơ sở, song thiệt hại vẫn xảy ra. Các sở, ngành cùng các địa phương trong tỉnh đã tổng kết, rút ra những tồn tại cần khắc phục, như: phương tiện cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn chưa được trang bị đầy đủ; ý thức phòng tránh thiên tai của người dân còn hạn chế; quy chế phối hợp giữa các hồ chứa thủy điện chưa thường xuyên và chặt chẽ, cần một đơn vị đầu mối để điều hành, điều tiết lũ hợp lý…
CẦN CHỦ ĐỘNG PHÒNG, TRÁNH
Tại 2 huyện Phú Hòa và Tây Hòa, sông Ba thường gây sạt lở đất ven bờ sông trong mùa mưa lũ. Mặc dù tỉnh và Trung ương đã đầu tư xây dựng nhiều đoạn kè nhưng tình hình sạt lở bờ sông vẫn chưa chấm dứt. Ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, kiến nghị: “Khi có thiên tai, bão lũ xảy ra, tỉnh phải bám sát cùng huyện và có những chỉ đạo nhanh, kịp thời, sát thực tế để cơ sở sớm triển khai. Trong mấy năm qua, nhiều đoạn kè được đầu tư xây dựng dọc sông Ba đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đời sống dân sinh trong khu vực được ổn định, nhà cửa, đất canh tác không bị nước lũ cuốn trôi. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Tây Hòa có một đoạn sông tại thôn Thạch Bàn, xã Hòa Phú đang bị sạt lở nghiêm trọng. Nếu không đầu tư xây dựng thì mùa mưa bão năm nay có khả năng nước lũ xâm thực đoạn sông này, gây ảnh hưởng hàng trăm hộ dân sống ở khu vực này”.
Do tác động của biến đổi khí hậu nên diễn biến của thiên tai đang có xu hướng phức tạp, khó dự báo. Ông Võ Anh Kiệt, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, nhận định: “Mùa lũ năm 2013 có khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, số đợt lũ sẽ xuất hiện nhiều hơn, đỉnh lũ các sông có khả năng cao hơn năm 2012 và cao hơn báo động 3 từ 0,5 đến 1m và thời gian đỉnh lũ trong khoảng tháng 10 và 11”.
Để chủ động phòng tránh thiên tai, bão lũ trong năm 2013, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các sở, ban, ngành và nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện tốt việc đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012 để bổ sung phương án sát với tình hình thực tế. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCLB-TKCN các cấp, nhất là cấp cơ sở, đồng thời phân công, phân nhiệm và nâng cao trách nhiệm cho từng thành viên. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm phòng tránh thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân nhằm nâng cao ý thức phòng tránh và cùng cộng đồng có biện pháp chủ động phòng tránh có hiệu quả. Các địa phương phải rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra bão, lũ trên địa bàn để chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ. Tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình như hồ chứa nước, đê, đập, kè, cống, kênh mương, cầu, đường, cảng, luồng lạch, bến bãi, các cơ sở khám chữa bệnh, kho tàng, nhà máy, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc… đảm bảo an toàn cho công trình trước mùa mưa bão. Tăng cường lực lượng nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn là Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và Trung đoàn Không quân 910 tổ chức luyện tập, nâng cao năng lực, sẵn sàng huy động khi có yêu cầu. Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng tránh, khắc phục thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.
ANH NGỌC