Trong chiến lược phát triển du lịch cũng như kế hoạch cho từng giai đoạn, vấn đề sản phẩm quà lưu niệm phục vụ du lịch luôn được quan tâm, đề cập thành một mục riêng. Vậy nhưng, thực tế sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của Phú Yên vẫn chưa có được hình ảnh và đời sống riêng.
Khách du lịch chọn mua những món quà lưu niệm của các em nhỏ bán ở khu vực Gành Đá Đĩa - Ảnh: T.QUỚI
CÓ NHƯNG CHƯA NHIỀU
Trong một cuộc họp Ban chỉ đạo phát triển du lịch Phú Yên gần đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất, Trưởng ban Chỉ đạo, yêu cầu Sở Công thương làm thế nào phải có được sản phẩm hàng lưu niệm, đặc sản phục vụ du lịch đặc trưng tỉnh Phú Yên trong quý III - 2013.
Theo Sở Công thương Phú Yên, các sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ, đặc sản ở Phú Yên hiện có mặt tương đối trên thị trường. Những loại hình sản phẩm từ bình dân đến cao cấp đều có. Có thể kể đến một số sản phẩm tiêu biểu như: ốc mỹ nghệ, võ gáo dừa mỹ nghệ, chiếu cói, mây tre đan, túi xách và các vật gia dụng làm từ thuột da, đá cảnh, gỗ mỹ nghệ… Vậy nhưng khách du lịch luôn phàn nàn là Phú Yên đang thiếu trầm trọng nếu không nói là không có những sản phẩm quà lưu niệm mang tính đặc trưng để mua về mỗi khi đến đây. Một hướng dẫn viên của Trung tâm Lữ hành Tuy Hòa cho hay: “Không ít đoàn khách phàn nàn về điều này. Bản thân tôi cũng thấy bối rối khi khách đặt vấn đề mua quà lưu niệm”. Anh Tạ Ngọc Anh, một khách du lịch ở Hà Nội, nói: “Khi hỏi mua quà lưu niệm đặc trưng Phú Yên, hầu như hướng dẫn viên nào cũng bí, thường giới thiệu chủ yếu là các loại thực phẩm như cá ngừ đại dương, bánh tráng Hòa Đa, bò một nắng… chứ ít có hàng thủ công mỹ nghệ đặc thù”.
Ông Hoàng Trọng Trọng, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, thực hiện nội dung phân công theo Kế hoạch số 47 của UBND tỉnh, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án “Sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản phục vụ du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2015” vào cuối năm 2012. Các mục tiêu được đặt ra trong đề án rất cụ thể, những phần việc được phân kỳ thời gian thực hiện chi tiết. Vậy nhưng, kết quả triển khai thì rất cầm chừng, thậm chí một số phần việc phải dừng lại vì không có kinh phí. Theo đề án này trong năm 2013, Sở Công thương sẽ thực hiện ít nhất là 8 đầu việc. Vậy nhưng, đến nay đã hơn nửa năm trôi qua các phần việc trên vẫn còn nằm trên giấy. Theo đó, trong năm 2013 chỉ có 3 phần việc đã và đang triển khai là: Hỗ trợ hai doanh nghiệp (hàng hải sản DNTN Trang Thủy và gỗ mỹ nghệ của Công ty TNHH Sơn Phước) trưng bày tại Cảng hàng không Tuy Hòa; hỗ trợ, tư vấn thiết kế mẫu bao bì đóng gói sản phẩm hải sản cho 3 doanh nghiệp gồm DNTN Trang Thủy, Công ty TNHH Bá Hải, Công ty TNHH Nguyễn Hưng; hỗ trợ đào tạo lao động sản xuất sản phẩm lưu niệm từ cói gắn với một cơ sở sản xuất ở xã An Cư (Tuy An). Theo ông Hoàng Trọng Trọng, khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí cấp trong năm quá ít nên không thể thực hiện đúng các đầu việc như trong đề án. Các doanh nghiệp thì chưa mặn mà vì sức tiêu thụ cho sản phẩm còn yếu. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, sở đã tuyên truyền, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động sản xuất các mặt hàng lưu niệm, đặc sản phù hợp với nhu cầu thị trường du lịch.
Cũng theo ông Trọng, sản phẩm thì không phải là không có (chưa phong phú, đa dạng) nhưng cái thiếu ở đây là tính đặc trưng của Phú Yên.
THIẾU TÍNH ĐẶC TRƯNG
Thực tế cho thấy, các sản phẩm lưu niệm, đặc sản phục vụ du lịch có mặt trên thị trường hiện nay hoàn toàn do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự làm theo nhu cầu thị hiếu của thị trường và khả năng của từng doanh nghiệp. Đến giờ này chưa có cơ quan chức năng nào định hình tính đặc trưng cho các sản phẩm du lịch Phú Yên. Ông Phạm Hồng Bình, một nghệ nhân sản xuất hàng mỹ nghệ từ vỏ gáo dừa cho hay: “Tất cả mẫu mã thiết kế sản phẩm đều do doanh nghiệp tự mày mò tìm kiếm, chứ chưa thấy có ai hướng dẫn. Do nhu cầu mua sắm của khách du lịch thời gian qua quá ít nên doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất mẫu mã mới, hay mở rộng sản xuất cũng khó. Ngay cả cơ sở sản xuất và cửa hàng mỹ nghệ dừa Bình SVC cũng phải chuyển vào TP Hồ Chí Minh”.
Phó giám đốc Sở Công thương Hoàng Trọng Trọng khẳng định, theo đề án của UBND tỉnh, nhiệm vụ tư vấn đưa ra tính đặc trưng của sản phẩm hàng lưu niệm phải do Sở VH-TT-DL chủ trì phối hợp với Sở Công thương. Vậy nhưng, đến nay hai bên chưa có sự phối hợp chặt chẽ về nội dung phần việc này. Về vấn đề này, ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, sở đã đưa nội dung phát động cuộc thi thiết kế quà tặng lưu niệm phục vụ du lịch vào chương trình kích cầu du lịch gắn với việc thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ năm 2013. Thời gian thực hiện từ nay đến cuối năm. Trên cơ sở cuộc thi, các mẫu thiết kế được chọn sẽ được các nhà chuyên môn và cơ quan quản lý Nhà nước tổng hợp khái quát hóa đưa ra đặc trưng cho sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ du lịch của tỉnh.
Các mục tiêu cụ thể của Đề án sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản phục vụ du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2013-2015
- Thành lập được 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng lưu niệm có sản phẩm trưng bày tại các siêu thị, nhà ga, khách sạn, nhà hàng, điểm dừng chân… Xây dựng được một điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm lưu niệm, đặc sản của tỉnh.
- Xây dựng được 8 mô hình trình diễn sản xuất hàng lưu niệm phục vụ du lịch
- Hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì cho 3 doanh nghiệp chế biến hàng thủy sản
- Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia 10 kỳ hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
TRẦN QUỚI