Nguồn nhân lực chất lượng là một dạng tài sản của doanh nghiệp. Để phát huy hết ưu điểm của nguồn lực này nhằm phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp, trước hết, đội ngũ lãnh đạo phải thay đổi tư duy. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, thạc sĩ Trần Minh Trọng, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực HD-LEADMAN cho biết:
Thạc sĩ Trần Minh Trọng - Ảnh: L.HẢO
- Nguồn nhân lực được xem là chất lượng khi hội đủ các yếu tố đạo đức, tài năng, phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Gần đây, trong việc tuyển chọn nhân sự, bên cạnh khả năng chuyên môn của người lao động, các doanh nghiệp còn quan tâm đến các giá trị đạo đức truyền thống như trung thành, chính trực, giữ chữ tín, sống có tình có nghĩa, tôn trọng người khác… Ngoài ra, những người rộng lượng, làm việc vì lợi ích chung, có cái tâm biết hoan hỉ với thành công của người khác cũng được doanh nghiệp tìm kiếm, quan tâm lựa chọn.
* Nguồn nhân lực chất lượng có vai trò như thế nào trong sự phát triển doanh nghiệp?
Nguồn nhân lực chất lượng đóng vai trò then chốt tạo nên thành công của doanh nghiệp. Bác Hồ từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Vì vậy, một doanh nghiệp nếu muốn phát triển bền vững thì phải chọn người lao động vừa có tài năng, vừa có đạo đức. Đối với những người có tài năng nhưng đạo đức chưa tốt thì doanh nghiệp có 2 hướng xử lý: Hoặc chỉ sử dụng trong các dự án ngắn hạn, hoặc sẽ quan tâm giáo dục, giúp nhân viên đó sửa chữa những vấn đề về đạo đức để tiếp tục sử dụng lâu dài.
* Vậy làm thế nào để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng?
- Để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng, đầu tiên phải kể đến vai trò quan trọng của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Người xưa đã đúc kết nên một quy luật có ý nghĩa trong cuộc sống và cả trong quản lý nhân sự: “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, anh là người như thế nào thì sẽ có xu hướng hút những người như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc người chủ, người quản lý doanh nghiệp phải nhìn lại chính mình để xem mình thực sự cần gì, muốn gì rồi mới sử dụng tài năng và sống một cuộc sống có đạo đức để thu hút được người khác. Những người quản lý luôn thường trực suy nghĩ “không chỉ quan tâm đến lợi nhuận, sự phát triển cá nhân mà còn biết quan tâm đến hạnh phúc, thành công của nhân viên cấp dưới” thì mới “hút” được những người lao động có tài năng, sẵn sàng cống hiến cho doanh nghiệp.
Vừa qua, một số doanh nghiệp Việt Nam dùng chiến thuật trả lương cao để thu hút một số nhân sự cấp cao của các tập đoàn đa quốc gia về điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, “cuộc hôn nhân” này nhanh chóng tan vỡ vì cả hai bên đều chỉ quan tâm đến mục tiêu lợi nhuận trong ngắn hạn chứ không có chung mục đích cùng nhau xây dựng doanh nghiệp bền vững. Lúc này, có thể thấy rằng chính những người chủ doanh nghiệp đã thực dụng nên hút về những người thực dụng, và khi một trong hai bên tìm kiếm được cơ hội hấp dẫn hơn thì tự khắc sẽ chia tay.
Doanh nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu vật chất vừa quan tâm đến những giá trị về tinh thần mới giữ chân được người lao động. Trong ảnh: Nhân viên Ngân hàng TMCP Đông Á chi nhánh Phú Yên làm từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Ảnh: L.HẢO
* Theo ông, doanh nghiệp phải làm gì để giữ được nguồn nhân lực chất lượng và phát huy hết ưu điểm của họ nhằm phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp?
- Thời gian qua, nhiều người điều hành doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, danh hiệu, thành tích hào nhoáng chứ không nghĩ đến việc mang lại niềm vui và thành công cho nhân viên cấp dưới. Ngay trong cách quản trị nguồn nhân lực, doanh nghiệp cũng chỉ chú trọng vào việc đáp ứng nhu cầu vật chất của người lao động hơn là quan tâm đến những nhu cầu về tinh thần. Thực tế là doanh nghiệp rất khó có đủ tiềm lực để đáp ứng hết nhu cầu vật chất của nhân viên. Nếu đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp không nhìn nhận được vấn đề này, không giúp nhân viên nhận ra đâu là giá trị cốt lõi trong con người, trong công việc thì doanh nghiệp dễ rơi vào khủng hoảng.
Hiện nay, các đối thủ cạnh tranh sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để “săn” những nhân viên có năng lực. Vì vậy, chỉ khi chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp vừa đáp ứng được nhu cầu vật chất, vừa quan tâm, giáo dục về mặt tinh thần cho nhân viên thì doanh nghiệp mới giữ chân được người lao động, nhất là người lao động có chất lượng. Điều quan trọng nhất là đội ngũ lãnh đạo phải thay đổi tư duy, biết quan tâm đến những giá trị gốc rễ để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ HẢO (thực hiện)