Tháng 7/2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân quy hoạch các điểm chế biến gỗ tập trung cho những doanh nghiệp có điều kiện đầu tư hoặc di chuyển cơ sở đến đây. Tuy nhiên, hiện các địa phương chỉ mới rà soát để chuẩn bị triển khai công tác này nên một số doanh nghiệp chưa được cấp phép mới.
Sở KH-ĐT đang tạm dừng cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh đối với ngành nghề cưa, xẻ gỗ tại 3 huyện miền núi. Trong ảnh: Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT - Ảnh: V.AN
CHẬM TRIỂN KHAI
Vừa qua, DNTN Vận tải thương mại Hùng Thi và Công ty TNHH Thương mại Đặng Gia Nghĩa làm hồ sơ đề nghị đăng ký địa điểm kinh doanh cưa, xẻ, bào gỗ và bảo quản gỗ tại thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông và buôn Zô, xã Ea Ly (Sông Hinh). Khi Sở KH-ĐT lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về vấn đề này, Sở NN-PTNT đã không đồng ý cho 2 doanh nghiệp nêu trên đăng ký địa điểm kinh doanh mới. Theo Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn huyện Sông Hinh có 20 cơ sở chế biến gỗ đang hoạt động; trong đó, xã Đức Bình Đông 4 cơ sở, xã Ea Ly 9 cơ sở. Số lượng cơ sở chế biến gỗ tại 2 xã này là quá nhiều, không nên cho phép thành lập thêm các cơ sở mới. Thêm vào đó, các doanh nghiệp này không có phương án sản xuất kinh doanh, không thuyết trình được nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, ổn định và cơ cấu sản lượng sản phẩm sản xuất hàng năm. Địa điểm đặt cơ sở cưa, xẻ gỗ thường xảy ra tình trạng khai thác, mua bán, cất giữ gỗ trái phép; cơ quan kiểm lâm, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra nhưng chưa thể ngăn chặn, xử lý triệt để.
Theo UBND huyện Sông Hinh, hiện các địa điểm kinh doanh của DNTN Vận tải thương mại Hùng Thi và Công ty TNHH Thương mại Đặng Gia Nghĩa đăng ký mới đều không nằm trong quy hoạch công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, chế biến của xã. Tuy nhiên, vì các địa điểm này cách xa khu dân cư, xa rừng tự nhiên, thuận tiện cho việc kiểm tra, quản lý nên UBND huyện Sông Hinh vẫn thống nhất về địa điểm xin đăng ký kinh doanh của 2 đơn vị này; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp khi nào điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, chế biến của xã Đức Bình Đông và Ea Ly xây dựng xong thì phải di dời vào theo quy định.
TẠM DỪNG CẤP PHÉP
Ông Trần Thiện Kim, Phó giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Đơn vị vừa kiến nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh đối với ngành nghề cưa, xẻ gỗ tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân trong thời gian các địa phương triển khai rà soát, tiến hành quy hoạch các điểm sản xuất, chế biến gỗ tập trung. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có ngành nghề cưa, xẻ gỗ trên địa bàn các huyện miền núi có địa điểm sản xuất, kinh doanh ổn định, phù hợp với quy hoạch; đồng thời đảm bảo công tác quản lý của các cơ quan liên quan đúng quy định. UBND tỉnh đã chấp thuận đề nghị này, đồng thời yêu cầu UBND huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân phối hợp với Sở NN-PTNT cùng các ngành chức năng khẩn trương quy hoạch các điểm sản xuất, chế biến gỗ tập trung (thời gian hoàn thành chậm nhất vào cuối quý III/2013) để các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư hoặc di chuyển cơ sở đã sản xuất vào khu quy hoạch, đảm bảo ổn định, tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Các địa phương này cũng cần rà soát để giảm bớt các cơ sở không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và không đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định.
Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, địa phương đã yêu cầu các xã, thị trấn thống kê các hộ kinh doanh mộc dân dụng trên địa bàn, và nhu cầu phát triển hộ kinh doanh mộc dân dụng giai đoạn 2013-2015 đến năm 2020. Các xã, thị trấn cũng phải hướng dẫn các hộ đang sản xuất, chế biến gia công mộc dân dụng đã đăng ký kinh doanh nhưng đến thời gian hết hạn hoặc chưa đăng ký kinh doanh thì liên hệ trực tiếp Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện để làm thủ tục theo quy định.
VIỆT AN