Thứ Năm, 03/10/2024 20:30 CH
Bảo tồn và phát triển một số giống lúa gạo đỏ ở Tuy An
Thứ Hai, 15/07/2013 10:30 SA

Với khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với những chân đất nghèo dinh dưỡng của địa hình đồi núi Phú Yên, đồng thời chứa đựng các nguồn gen quý, các giống lúa gạo đỏ trên địa bàn huyện Tuy An đã được kỹ sư Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT) đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát triển.

 

tham-quan130715.jpg

Người dân tham quan mô hình sản xuất lúa gạo đỏ Tuy An - Ảnh: CTV

BẢO TỒN NGUỒN GEN QUÝ

 

Kỹ sư Nguyễn Văn Phương cho biết: “Những năm gần đây, diện tích sản xuất lúa gạo đỏ trên địa bàn huyện Tuy An đang dần suy giảm và có nguy cơ biến mất do ít được người dân quan tâm đầu tư, chăm sóc. Trước tình hình đó, chúng tôi cho rằng cần phải có hành động thiết thực để có thể bảo tồn và phát triển các giống lúa quý này”.

 

Ngoài yếu tố phù hợp với điều kiện tự nhiên không thuận lợi ở các vùng đồi núi Phú Yên thì theo báo cáo kết quả kiểm tra do Công ty cổ phần Giám định và Khử trùng FCC (TP Hồ Chí Minh) tiến hành: các giống lúa gạo đỏ Tuy An có chứa hàm lượng các chất Protein, Canxi, Kali, Phos­pho, Vitamin B1… cao hơn so với giống lúa cạn LC93 (giống lúa cạn được Viện Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT cung cấp để làm giống đối chứng) nên được xem là giống lúa có chứa nguồn gen quý, cần được bảo vệ. Hiện tại, tuy diện tích lúa này không còn nhiều nhưng các loại gạo đỏ vẫn được người dân địa phương ưa chuộng và được thương lái thu mua với giá cao hơn các loại gạo trắng.

 

Để bảo tồn các giống lúa gạo đỏ, từ năm 2011, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra khảo sát tình hình sản xuất các giống lúa gạo đỏ trên địa bàn huyện Tuy An. Qua đó cho thấy hoạt động sản xuất lúa hiện tại tập trung chủ yếu ở 2 xã An Hòa, An Hiệp với các giống lúa: Tàu cúc, Bát quạt, Đuôi nai. Trong đó, giống lúa Tàu cúc được nhiều người dân lựa chọn vì có thời gian sinh trưởng phù hợp và năng suất khá; 2 giống Bát quạt, Đuôi nai có thời gian sinh trưởng dài hơn nên số hộ dân sản xuất các giống này không còn nhiều. Do sinh trưởng trong điều kiện thời tiết bất lợi (phụ thuộc vào nước trời), giống lúa hay bị lẫn tạp. Qua thời gian dài sản suất cộng với việc người dân chưa chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào quá trình canh tác, nên năng suất lúa gạo đỏ được trồng trong dân đang ngày càng bị sụt giảm.

 

Tháng 5/2011, mô hình sản xuất lúa gạo đỏ với quy mô 4.000m2 tại khu vực đồng Con Chàng, xóm 10, thôn Mỹ Phú 1 (xã An Hiệp, Tuy An) được đưa vào thực hiện. Có 4 hộ dân tham gia mô hình sản xuất với 3 giống lúa gạo đỏ ở địa phương và 1 giống đối chứng LC93. Khi chuẩn bị xuống giống, các hộ dân tham gia mô hình được hướng dẫn làm đất 2 lần, bón lót đầy đủ, đợi trời mưa thì bắt đầu gieo giống trực tiếp không qua ngâm ủ; sau đó dùng bừa vùi lấp lại, đợi hạt nảy mầm. Việc bón phân cho lúa phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết (có mưa mới bón phân), nhưng thông thường được tiến hành 3 lần/vụ (bón lót, bón thúc lần 1, bón thúc lần 2). Thuốc bảo vệ thực vật không được sử dụng trong mô hình sản xuất lúa gạo đỏ vì các giống này ít bị nhiễm sâu bệnh và chống chọi tốt với điều kiện thời tiết bất lợi.

 

HƯỚNG PHÁT TRIỂN

 

Qua 2 vụ sản xuất, kết quả cho thấy 2 giống Tàu cúc và LC 93 phù hợp với những vùng đồi núi và các chân ruộng thường xuyên thiếu nước. 2 giống lúa này cho năng suất dao động từ 40 đến 50 tạ/ha, thời gian sinh trưởng tương đối thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân; đồng thời khả năng chịu hạn tốt, phẩm chất gạo thơm ngon, màu sắc đẹp, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

 

Để mở rộng quy mô sản xuất giống lúa gạo đỏ Tuy An, nhóm nghiên cứu đã cùng với Phòng NN-PTNT huyện Tuy An và các ban, ngành liên quan đề ra phương án quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo đỏ; đề xuất Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên tiến hành phục tráng giống lúa nhằm tạo ra nguồn giống có độ đồng đều để cung ứng giống có chất lượng cho người dân. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Phú Yên cũng phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tăng cường tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác lúa cạn, giúp người dân địa phương nâng cao năng suất, chất lượng giống lúa gạo đỏ; hướng đến triển khai thực hiện dự án sản xuất lúa gạo đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

 

Bên cạnh sản xuất, hoạt động tiêu thụ cũng được những người thực hiện đề tài quan tâm. Để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, kỹ sư Nguyễn Văn Phương đã đề xuất tiến hành xây dựng thương hiệu “Gạo đỏ Tuy An”, có đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại lợi nhuận cho người sản xuất, đồng thời có kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng từ người sản xuất đến thương lái thu mua, doanh nghiệp chế biến để tạo ra nguồn hàng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để tăng hiệu quả sản xuất, những người thực hiện đề tài đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, các cơ sở chế biến gạo đỏ để tiêu thụ gạo, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giúp người sản xuất và tiêu dùng nhận thức đầy đủ hơn về phẩm chất của gạo đỏ đối với sức khỏe của người tiêu dùng.

 

Nhận xét về tầm quan trọng của việc bảo tồn giống lúa gạo đỏ, ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, nói: “Giống lúa gạo đỏ có chứa nguồn gen quý, nên hiện tại dù diện tích sản xuất không còn nhiều nhưng chúng ta cũng cần phải có giải pháp bảo tồn. Để lưu giữ được các giống lúa này, nhóm nghiên cứu có thể đề xuất mở rộng quy mô sản xuất giống Tàu cúc để người dân bảo tồn tại địa phương. Riêng các giống Đuôi nai, Bát quạt có thời gian sinh trưởng dài, hiệu quả kinh tế chưa cao thì có thể gửi mẫu giống lúa vào các viện nghiên cứu trong nước có ngân hàng gen để làm vật liệu lai tạo ra các giống lúa mới”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek