Thời gian qua, tình trạng lạm dụng khai thác trái phép nguồn tài nguyên rừng và đất rừng để làm rẫy trên địa bàn huyện Sông Hinh diễn ra khá nghiêm trọng. Để lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo vệ rừng, UBND huyện Sông Hinh đã chỉ đạo củng cố hồ sơ, quy trình cưỡng chế những diện tích rừng bị phá trái pháp luật, kiên quyết xử lý các chủ rừng, chủ quản lý thiếu trách nhiệm.
“NÓNG” VIỆC PHÁ RỪNG LÀM RẪY
Theo Hạt kiểm lâm Sông Hinh, diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị khai phá, lấn chiếm trái phép để trồng sắn, mía… trên địa bàn khoảng 2.500ha, trong đó diện tích rừng khoảng 850ha. Các địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị khai phá, lấn chiếm nhiều ở các xã Sơn Giang (khoảng 1.500ha), Đức Bình Đông (920ha), Sông Hinh (80ha). Theo Hạt kiểm lâm Sông Hinh, từ đầu năm đến nay các ngành chức năng ở huyện Sông Hinh đã kiểm tra, phát hiện lập biên bản 11 vụ phá rừng với diện tích 4,4ha. Trong đó xã Sơn Giang 4 vụ với 1,8ha và xã Sông Hinh 7 vụ với 2,6ha. Tuy nhiên, số liệu báo cáo trên đây là những vụ việc đã được phát hiện, còn trên thực tế nhiều vụ phá rừng làm rẫy trên địa bàn huyện chưa được phát hiện, xử lý. Ông Phạm Quốc Thông, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, cho biết: “Trong tháng 3/2013, UBND xã đã bố trí 2 tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra các khu vực Dốc Phường, Suối Biểu, Núi Lá; nhưng khi chuẩn bị tiếp cận thì các đối tượng bỏ chạy, trốn vào rừng nên không xác định được chủ. Một số ít trường hợp khi đoàn tiếp cận được, làm việc thì họ khai rằng mình là người đi làm thuê, chủ rẫy là ai họ không biết…”. Ông Phạm Quốc Thông thừa nhận, việc người dân phá rừng làm rẫy chính quyền địa phương có biết nhưng không đủ sức ngăn chặn. Theo ông Thông, để có một vài hécta đất sản xuất, nhiều người dân bất chấp pháp luật, khi phát hiện thì họ có thái độ không hợp tác hoặc bỏ chạy. Nhiều người dân có tư tưởng sẵn sàng nộp phạt để có đất nên vẫn chủ động phá rừng làm rẫy mặc dù biết là vi phạm pháp luật.
Còn ở xã Sông Hinh, tình hình phá rừng làm rẫy vẫn diễn ra tại các tiểu khu 316 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh; tiểu khu 314 (khu vực 49ha đang chờ chuyển đổi mục đích sử dụng) và khu vực suối Pháp, suối Ma Đói và một số lâm phần khác… Ông Trần Duy Tấn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sông Hinh, cho biết: “Tình hình phát, đốt rừng làm nương rẫy trên địa bàn huyện Sông Hinh, nhất là các lâm phần giáp ranh như các xã Sơn Giang, Đức Bình Đông, Sông Hinh diễn ra khá phức tạp, trải dài trên cả một vùng rộng lớn ở 3 xã này. Đối tượng tham gia phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng và một bộ phận dân cư các huyện giáp ranh như Tây Hòa, Sơn Hòa. Các đối tượng này luôn tìm mọi cách đối phó với lực lượng liên ngành, kiểm lâm và chính quyền sở tại nên khi kiểm tra khó bắt được quả tang. Tình trạng này diễn ra gay gắt hơn trong những tháng đầu năm 2013, các đối tượng xâm hại rừng bất chấp pháp luật, tìm mọi cách đối phó với lực lượng chức năng”.
CẦN CÓ BIỆN PHÁP QUYẾT LIỆT, LÂU DÀI
Để lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng, UBND huyện Sông Hinh đã giao cho 3 xã Sơn Giang, Sông Hinh, Đức Bình Đông chuẩn bị hồ sơ, quy trình cưỡng chế 50ha rừng bị phá trái pháp luật, giao cho các tổ chức, hội đoàn thể để trồng rừng. Đây là diện tích làm điểm trong năm 2013 và sẽ nhân rộng vào các năm tiếp theo. Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng huyện Sông Hinh yêu cầu các ngành chức năng của huyện và UBND các xã tiếp tục phổ biến, triển khai các chủ trương từ Trung ương đến địa phương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phương án phòng cháy chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng; đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Bảo vệ và phát triển rừng rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện đạt hiệu quả dự án trồng rừng thay thế nương rẫy nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: “UBND huyện sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm hạn chế tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện. Kiên quyết xử lý các chủ rừng, chủ quản lý thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật mà không chủ động kiểm tra, ngăn chăn kịp thời. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã có rừng nắm lại diện tích rừng thực tế và thành lập ngay tổ chuyên trách bảo vệ rừng trực thuộc xã. Tiếp tục duy trì đẩy mạnh hoạt động của ban chỉ huy, tổ kiểm tra liên ngành, đồng thời xây dựng mạng lưới thông tin tố giác tội phạm, tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản, mộc dân dụng, cơ sở sản xuất gạch ngói và các nhà hàng, quán ăn chế biến thịt động vật hoang dã trái pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân, đơn vị được giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện”.
N.CƯỜNG - A.NGỌC
Kiểm lâm Sông Hinh bắt quả tang một vụ phá rừng làm rẫy tại tiểu khu 316 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý - Ảnh: N.CƯỜNG