HTX Tân Hòa Bình (xã Hòa Bình 1, Tây Hòa) đang được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Phú Yên hỗ trợ đào tạo nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ cho 50 lao động. Chương trình đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu xu hướng phát triển sản phẩm mới.
Đào tạo nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu tại HTX Tân Hòa Bình - Ảnh: N.XUÂN
HTX Tân Hòa Bình chuyên sản xuất hàng mây tre lá xuất khẩu từ nhiều năm nay, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây do nhu cầu hàng mây tre lá giảm sút, đơn vị chuyển sang làm đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Năm 2012, mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn có đơn hàng ổn định cả năm, giá trị xuất khẩu đạt trên 200.000 USD. Từ đầu năm 2013 đến nay, HTX Tân Hòa Bình ký kết được 2 hợp đồng lớn với các đối tác truyền thống, cung cấp hàng cho các thị trường Đức, Pháp và một số nước châu Âu; đảm bảo việc làm ổn định cho công nhân đến hết tháng 8.
Ông Lương Tấn Thái, Chủ nhiệm HTX Tân Hòa Bình cho biết: Bên cạnh dòng sản phẩm chủ đạo là đồ gỗ nội thất truyền thống như bàn, ghế, tủ, kệ, đôn, tấm ngăn phòng…, một số khách hàng còn đặt hàng các dòng sản phẩm nội thất mới, dựa trên dòng sản phẩm cũ nhưng có sử dụng kết hợp nhiều loại nguyên liệu như gỗ, mây tre, nhựa… Dòng sản phẩm này đang được các nước châu Âu ưa chuộng vì nó có tính thẩm mỹ cao, lại thân thiện với môi trường. Hiện nay, nhu cầu sản phẩm nội thất loại này chỉ mới chiếm khoảng 30% đơn hàng và đây sẽ là dòng sản phẩm chủ đạo trong thời gian tới. Mặc dù có giá trị kinh tế cao hơn nhưng dòng sản phẩm này có các chi tiết phức tạp, yêu cầu lao động có tay nghề cao nên cũng rất “kén” công nhân. Do vậy, ngay từ bây giờ HTX phải đón đầu xu thế mới, liên tục đào tạo lao động có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu của đối tác.
Để đào tạo được một đội ngũ lao động lành nghề, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, HTX cần không ít kinh phí và thời gian; trong khi số lao động nông thôn lại thường xuyên nhảy việc, bỏ việc khiến đơn vị gặp không ít khó khăn. HTX Tân Hòa Bình cũng thường xuyên chủ động đào tạo thêm lao động bổ sung nhưng đôi khi cũng “đuối sức” vì không đủ kinh phí. Theo ông Thái, HTX rất cần sự hỗ trợ từ các chương trình đào tạo nghề để tiếp sức cho các doanh nghiệp ở nông thôn. Ông Nguyễn Hải Triều, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Năm 2012, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ đào tạo 100 lao động ngành gỗ mỹ nghệ xuất khẩu cho HTX Tân Hòa Bình nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu lao động của doanh nghiệp, nhất là khi đơn vị đang tìm kiếm thêm được các nguồn hàng mới. Năm 2013, trung tâm tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho 50 lao động, kịp thời bổ sung nguồn nhân lực để đơn vị thuận lợi trong việc đón đầu xu thế sản phẩm mới, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
NGÔ XUÂN