Những ngày gần đây, trên các diễn đàn du lịch xôn xao về vụ 701 du khách bị Công ty Travel Life bỏ rơi tại Thái Lan. Bỏ rơi là chuyện có thật 100%. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, yêu cầu công ty bán tour và các bên liên quan phải có trách nhiệm với các du khách đã bỏ tiền mua tour. Sự việc này khiến những người làm du lịch chân chính cũng như du khách phải giật mình. Bình tâm nhìn nhận vấn đề thì mỗi bên cần có trách nhiệm với quyết định mình đưa ra. Các công ty du lịch đừng vì lợi nhuận, giành lấy hợp đồng mà bằng mọi cách hạ giá tour. Còn những người đặt mua tour không vì ham rẻ hay hoa hồng, “lại quả” cao mà đưa mình và người thân rơi vào cảnh “bơ vơ giữa chợ”.
Lần lại vụ 701 du khách bị bỏ rơi tại Thái Lan sẽ thấy một số vấn đề bất thường. Thứ nhất, số lượng người tham gia tour lớn (701 người). Thứ hai, giá tour đi Thái Lan mà Travel Life đưa ra thấp hơn giá thị trường đến 20-30%. Khách hàng thường lấy số lượng lớn để ép mức giá thấp nhất. Tuy nhiên nhiều dịch vụ như khách sạn, vé máy bay thì khả năng cung ứng có hạn nên trong một số trường hợp số lượng càng lớn càng khó xoay sở. Theo một vị, dân trong ngành lữ hành thì Travel Life bán tour giá quá thấp (6,4 triệu đồng), mới chỉ ngang với giá vé máy bay, nên khi giá dịch vụ tại Thái Lan tăng lên đã khiến công ty này thua lỗ. Thứ ba là (điều này rất quan trọng), Travel Life không có giấy phép tổ chức lữ hành quốc tế!
Sau khi sự việc xảy ra, Travel Life giải thích rằng họ bị phía đối tác Thái thay đổi giá ban đầu 95 USD sau đó nâng lên 170 USD cho các dịch vụ tại Thái Lan đã khiến Travel Life bị động mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, theo nhận định của người trong nghề thì Travel Life không có chức năng lữ hành quốc tế, nên không lường trước được tình hình, thiếu chuyên nghiệp khi không ký hợp đồng chặt chẽ với đối tác cung ứng ở Thái Lan. Ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Tuy Hòa Tourrist chia sẻ: “Với những tour có số lượng khách lớn, việc thiếu hụt các dịch vụ nơi đến khả năng xảy ra rất cao, nếu không có sự chuẩn bị một cách chắc chắn. Vì thế đơn vị tổ chức cần có sự tiền trạm hoặc có điều kiện ràng buộc chặt chẽ bằng hợp đồng với đối tác cung ứng dịch vụ.
Vụ việc này là tiếng chuông cảnh báo tình trạng các công ty không giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, song vẫn tổ chức tour. Hành vi lừa đảo, chụp giật này ngày nào còn chưa được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm, chỉ có khách hàng là người thiệt thòi nhất. Chưa kể những công ty làm ăn kiểu này làm ảnh hưởng đến các công ty làm ăn chân chính khác. Ở Phú Yên cũng đã từng xảy ra trường hợp (du lịch nội địa), khách sau khi mua tour giá rẻ đã bị nhồi nhét vào nhà nghỉ, ăn cơm bụi thay vì nghỉ khách sạn 3 sao, ăn nhà hàng như thỏa thuận ban đầu. Khách đành ngậm bồ hòn làm ngọt vì tiền đã giao đủ, đây lại là “lý do khách quan”, người dẫn tour chỉ là nhân viên hướng dẫn, còn công ty tổ chức thì tìm không ra.
Cách tốt nhất để bảo vệ mình trước tiên là khách hàng cần chọn lọc kỹ công ty có địa chỉ hẳn hoi, đảm bảo năng lực tổ chức, điều hành, uy tín, thương hiệu... giá cả hợp lý thì chuyến đi du lịch sẽ trọn vẹn. Cẩn trọng với kiểu chiêu dụ giá rẻ, bởi cái gì cũng có cái giá của nó, không ai làm dịch vụ mà phải bỏ tiền túi ra bù cho khách hàng cả. Ông bà xưa có câu “nhiều người ham rẻ, ít kẻ biết mua” là vậy.
QUỲNH MAI