UBND tỉnh vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nhân dịp này, Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lan, chuyên gia dự án Sáng kiến năng lực cạnh tranh (VNCI/VCCI) về vấn đề trên.
* Bà đánh giá như thế nào về chỉ số PCI của Phú Yên năm 2012?
Bà Nguyễn Ngọc Lan - Ảnh: L.HẢO
- Năm 2012, chỉ số PCI của Phú Yên đạt 53,36 điểm, xếp 52/63 tỉnh, thành; tụt 2 bậc so với năm 2011. Trong đó, chi phí gia nhập thị trường đạt 9,08 điểm, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đạt 5,94 điểm, tính minh bạch và tiếp cận thông tin 5,28 điểm, chi phí không chính thức 5,9 điểm; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo 3,91 điểm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 4,03 điểm, đào tạo lao động đạt 4,2 điểm, thiết chế pháp lý đạt 3,66 điểm. Năm 2012, tuy chỉ số PCI của tỉnh vẫn còn ở nhóm khá nhưng chỉ cách nhóm trung bình 2 bậc. Vì vậy, nếu Phú Yên không có những giải pháp tích cực thì khả năng rơi vào nhóm dưới sẽ rất cao.
Cũng trong năm qua, mặc dù các chỉ số về chi phí gia nhập thị trường, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Phú Yên có tăng điểm nhưng không tác động đáng kể đến tổng điểm của PCI. Trong khi đó, sự sụt giảm điểm số của chỉ số tiếp cận đất đai, tính minh bạch, năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, đào tạo lao động là nguyên nhân chính khiến điểm số PCI của tỉnh sụt giảm.
* Chất lượng điều hành tác động như thế nào đến lựa chọn đầu tư của doanh nghiệp?
- Doanh nghiệp khi lựa chọn đầu tư sẽ cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng điều hành. Tuy nhiên, nếu các tỉnh có cơ sở hạ tầng, vị trí địa lý, mức độ phát triển kinh tế, mức độ ưu đãi đầu tư tương đương nhau thì chất lượng điều hành sẽ là lợi thế cạnh tranh, ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Lào Cai là một ví dụ điển hình trong trường hợp này. Mặc dù là một tỉnh vùng cao biên giới, không thuận lợi về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở còn hạn chế nhưng từ năm 2006 đến nay, tỉnh này luôn nằm trong top 10 tỉnh có chỉ số PCI cao nhất nước.
Cán bộ Sở KH-ĐT giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư - Ảnh: L.HẢO
* Vậy theo bà, Phú Yên phải làm gì để tăng lợi thế cạnh tranh, cải thiện chỉ số PCI?
- Phú Yên nên ưu tiên cải thiện tính năng động, tính minh bạch, cải cách hành chính và đào tạo lao động để tăng lợi thế cạnh tranh, cải thiện chỉ số PCI. Trong đó, trước mắt, tỉnh cần tập trung cải cách hành chính vì biện pháp này có tác động tích cực đến các lĩnh vực khác.
Để cải cách hành chính hiệu quả, điều quan trọng là lãnh đạo từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã phải năng động, sáng tạo và quyết tâm thực hiện bằng được. Về vấn đề này, Phú Yên có thể bắt đầu với việc triển khai linh hoạt mô hình “một cửa”. Thay vì chỉ niêm yết thông tin trên bảng như lâu nay, mỗi cơ quan, đơn vị có thể cử người hướng dẫn cụ thể về thủ tục, chính sách hoặc đặt máy tính tại phòng “một cửa” để người dân, doanh nghiệp tra cứu thông tin. Ngoài ra, địa phương còn có thể áp dụng mô hình “một cửa” để giải quyết tất cả các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng… thay vì chỉ áp dụng trong đăng ký kinh doanh như trước đây. Phú Yên cũng có thể học hỏi các mô hình cải cách hành chính hiệu quả ở Ninh Thuận, Bắc Ninh nhằm giúp doanh nghiệp giảm tải thời gian đi lại xin cấp phép đầu tư, xây dựng, xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, Phú Yên cũng cần chú trọng đào tạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức. Mỗi cán bộ, công chức phải ý thức được rằng mình là “bộ mặt” đầu tiên khi người dân, doanh nghiệp tiếp xúc mỗi khi cần đến chính quyền; điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp và sẽ tác động lớn đến chỉ số PCI của tỉnh. Khi mọi cán bộ, công chức đều ý thức việc phục vụ người dân, doanh nghiệp là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình thì cải cách hành chính sẽ đi vào thực chất hơn.
Đặc biệt, cải cách hành chính phải đi đôi với minh bạch hóa thông tin bằng cách nâng cao hiệu quả vận hành và cung cấp thông tin, thủ tục pháp lý của cổng thông tin điện tử tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương để người dân, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận, dễ dàng thực hiện những thủ tục cần thiết. Ngoài ra, chính quyền còn phải tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết. Đối thoại cũng là một hình thức minh bạch thông tin, vì khi gặp vấn đề không thuộc thẩm quyền của tỉnh, chờ sự chỉ đạo từ Trung ương, lãnh đạo địa phương có thể thẳng thắn thừa nhận để doanh nghiệp thông cảm thay vì cứ im lặng, lờ đi để doanh nghiệp “tự hiểu”.
* Xin cảm ơn bà!
LÊ HẢO (thực hiện)