Những năm gần đây, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp chính quyền, đoàn thể…, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Sơn Hòa đã dần thay đổi tập quán canh tác. Nhờ trồng mía, sắn và làm lúa nước… mà kinh tế của nhiều gia đình ngày một khấm khá.
Nông dân Sơn Hòa thu hoạch mía niên vụ 2012-2013 - Ảnh: T.HƯƠNG
Ông La Sơn Nướu ở buôn Khăm, xã Krông Pa phấn khởi cho biết: “Nhờ biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng mía và sắn nên mỗi năm gia đình tôi thu nhập được gần 100 triệu đồng, có của ăn của để, cho con ăn học”. Trước đây gia đình ông Nướu thuộc diện hộ nghèo, có đất đai nhưng không biết canh tác, trồng trọt, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa rẫy, năng suất thấp nên không đủ ăn, thường xuyên bị đói giáp hạt. Từ khi tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn của Phòng NN-PTNT huyện và được sự hướng dẫn tận tình của chính quyền địa phương, gia đình ông Nướu đã cải tạo đất rẫy để trồng sắn và mía. “Ban đầu tôi chỉ trồng vài sào, qua mấy mùa vụ, thấy hiệu quả kinh tế của 2 loại cây này cao nên gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay đã trồng được hơn 4ha mía và sắn”, ông Nướu cho biết thêm.
Bà con đồng bào DTTS huyện Sơn Hòa còn biết áp dụng kỹ thuật, lựa chọn cây giống để nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Ông Ra Lan Nhiên ở buôn Lé B, xã Krông Pa cho biết: “Việc làm ăn của chúng tôi ngày một thuận lợi hơn, mỗi năm khi vào mùa trồng mới, Nhà máy đường KCP (Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam) tạo điều kiện cho chúng tôi mượn vốn đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và cung ứng những giống mía mới cho năng suất cao, tăng hiệu quả canh tác. Niên vụ mía vừa qua, gia đình tôi trồng 3ha mía, sử dụng giống K95-84, cho thu hoạch được gần 200 tấn mía cây”.
Theo ông La Chí Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Krông Pa, xã có hơn 2.200 người DTTS sinh sống, chiếm 2/3 dân số của cả xã. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, nhiều chương trình hỗ trợ, nhiều lớp tập huấn làm kinh tế theo kiểu cầm tay chỉ việc cho bà con đã được tổ chức, giúp đồng bào DTTS sống trên địa bàn có điều kiện tiếp cận, học tập cách làm kinh tế từ đó áp dụng vào thực tiễn. Nhờ vậy, nhiều hộ đồng bào DTTS đã học hỏi được cách làm ăn, đặc biệt là biết thâm canh mía và sắn nên nhiều gia đình đã thoát nghèo, đời sống khấm khá hơn trước.
Bên cạnh học hỏi cách trồng mía, sắn, hiện nay nhiều vùng đồng bào DTTS, bà con còn biết trồng cây lúa nước thay cho lúa rẫy. Ma Hlin ở thôn Thống Nhất, xã Suối Trai cho biết: “Tận dụng nguồn nước tưới từ hồ thủy điện Sông Ba Hạ, gia đình tôi cải tạo đất và canh tác được 5 sào lúa nước, ổn định mỗi năm 2 vụ lúa ăn chắc, năng suất cao”. Không chỉ biết trồng lúa nước mà Ma Hlin còn nắm rất chắc các kỹ thuật canh tác từ công đoạn làm đất, ngâm giống, gieo sạ đến bón phân… Theo Ma Hlin, làm lúa nước khác lúa rẫy là phải bón phân, có như vậy cây lúa mới phát triển tốt, cho nhiều hạt, nhưng việc bón phân cũng phải cẩn thận, bởi nếu bón không đúng thời điểm, liều lượng thì sẽ không có tác dụng tốt, càng làm cho cây lúa dễ bị bệnh hơn…
Ông Kpá Thinh, Chủ tịch UBND xã Suối Trai cho hay: Tận dụng được nguồn nước tưới từ hồ thủy điện Sông Ba Hạ nên bà con ở đây đã cải tạo ruộng đồng trồng lúa nước thay cho lúa rẫy. Hiện cả xã có khoảng 28ha lúa nước được canh tác ở thôn Thống Nhất với khoảng 200 hộ dân trồng.
Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: Nhằm hỗ trợ cho bà con đồng bào DTTS có điều kiện tiếp cận, học hỏi các mô hình làm kinh tế hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hằng năm Phòng NN-PTNT huyện thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi cho bà con. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, phòng đã mở 20 lớp đào tạo từ nguồn ngân sách của địa phương cho hơn 880 nông dân ở các xã, triển khai mô hình sản xuất lúa nước cho các hộ đồng bào DTTS ở xã Suối Trai, thực hiện mô hình cánh đồng mía mẫu lớn, mía giống mới tại xã Sơn Hội, Ea Chà Rang… Thông qua các lớp tập huấn, các mô hình điểm này, bà con đồng bào DTTS ở địa phương đã được tiếp cận, học tập các biện pháp canh tác tiên tiến, biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế.
THỦY TIÊN